Ly kỳ chuyện tìm tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2 và giọt nước mắt hạnh phúc

09/09/2020 13:57 GMT+7

Hôm nay là ngày đầu tiên chùa Kỳ Quang 2 cho người thân xuống hầm nhận diện hũ cốt bị thất lạc. Nhiều người rớt nước mắt khi tìm ra tro cốt của người thân nhờ trước đó từng ghi tên hoặc đánh dấu lên hũ cốt.

Từ 7 giờ 30 ngày 9.9, chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) bắt đầu cho những người thân vào bên trong hầm để cốt để nhận diện hũ tro cốt người thân.
Lần lượt nhóm 10 người nhân thân xuống hầm nhận diện trong vòng 45 phút. Nhóm 10 người nhân thân xuống hầm nhận diện hũ cốt sẽ có 10 người phía chùa đi theo để hỗ trợ. Ngoài ra sẽ có đại diện Ban Trị sự Phật giáo và cơ quan chức năng cùng xuống hầm để giám sát.

Ly kỳ chuyện tìm tro cốt thân nhân ở chùa Kỳ Quang 2

Nước mắt vui mừng

Người dân sẽ đến bàn nhận dạng hình ảnh (có người hỗ trợ) sau đó nhận dạng hũ cốt tại các tòa đài sen đã được đánh số thứ tự. Sau khi nhận dạng, điền nguyện vọng vào phiếu thông tin, ký tên và gửi lại cho chùa một bản, gia đình giữ một bản.
Sau khi tất cả các thân nhân đã nhận dạng xong, chùa sẽ mời đến tham dự phiên họp để lấy ý kiến thống nhất chung về nguyện vọng. Dự kiến trong hôm nay sẽ có 100 gia đình đến nhận diện hũ cốt.

Nhiều người chờ đợi ở chùa để đợi đến lượt vào bên trong hầm để cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bàn tiếp nhận người đến nhận dạng hũ cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Đi trong nhóm 10 người đầu tiên vào hầm để cốt, cụ Trần Thị Sâm (82 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) rạng rỡ chia sẻ sau khi ra ngoài: “Bà tìm được hũ cốt của người thân rồi, phấn khởi lắm cháu ơi, đây là niềm vui nhất”.
“Giờ bà vui lắm, phấn khởi lắm, tìm được là vui quá rồi. Nhưng cũng có một nỗi buồn là còn bao nhiêu người nữa chưa biết có trọn vẹn như bà không. Mong là ai cũng tìm thấy như gia đình bà”, cụ Sâm bộc bạch.
Cụ Sâm kể nhà bà có gửi ở chùa 2 hũ cốt của bố chồng và mẹ chồng bà. Bố chồng bà mất năm 1997, mẹ chồng mất năm 2004, đến năm 2004 thì hỏa thiêu rồi gửi hai hũ cốt ở chùa Kỳ Quang 2. May mắn, chồng bà Sâm cẩn thận dán 2 mẩu giấy đỏ vào hai hũ cốt nên việc nhận diện khá dễ dàng. Cụ Sâm sau khi nhận diện đã tìm 2 ảnh lắp vào hai hũ cốt.

Chùa Kỳ Quang 2 mở khu vực chứa tro cốt cho người thân xuống nhận diện từ ngày 7.9.2020

Chứng kiến niềm vui của gia đình người khác nhận diện được hũ cốt, sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt ông Hồ Tấn Phước (74 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) và bà Lê Thị Dân (68 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp). Gia đình ông bà nằm trong nhóm thứ hai vào nhận dạng hũ cốt. Con trai của ông bà là anh Hồ Tấn Đạt (ngụ Q.10) đang làm thủ tục ở trong phòng để chờ đến giờ vào hầm.

“Nếu không tìm được hũ cốt gia đình chúng tôi sẽ thủy táng”, ông Phước trầm tư, mắt không rời hầm để cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Sau khi anh Đạt vào trong hầm để cốt, ông Phước và bà Dân đợi ở ngoài vì chỉ có một người được vào bên trong. “Nếu không tìm được hũ cốt gia đình chúng tôi sẽ thủy táng”, ông Phước trầm tư, mắt không rời hầm để cốt.
Anh Đạt ra khỏi hầm với gương mặt rạng ngời, quây quần với ông Phước và bà Dân, anh đã tìm được hũ cốt thất lạc. “Lúc xuống hầm tôi tìm hình trước ở trên bàn. Ban đầu tôi đi lòng vòng tìm hũ nhưng không có, hồi trước em gái có ghi tên ông nội lên hũ cốt của ông nên một lúc thì tìm được hũ có tên đó cầm hình đến lắp vào thì vừa như in vậy là tìm được, thật là may mắn”, anh kể lại.

“Sẽ tiếp tục gửi tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2”

Danh sách ưu tiên những gia đình có đặc điểm nhận dạng hũ cốt của người thân nên số lượng người tìm được hũ cốt trong ngày đầu tiên khá nhiều. Ông Bùi Minh Dùng (63 tuổi) mừng rỡ vì tìm được hũ cốt của vợ sau một tháng trời mất ăn mất ngủ.
Rưng rưng nước mắt, ông cho biết ngày đưa hũ cốt của vợ vào chùa có đánh dấu hũ cốt bằng cách ghi tên vợ lên hũ. Hũ cốt của vợ ông Dùng mất di ảnh và bài vị nhưng ông nhanh chóng kiếm ra ngay.

Tro cốt thất lạc di ảnh ở chùa Kỳ Quang 2 sẽ được giải quyết ra sao?

“Chuyện đã lỡ rồi thì mình tìm cách nào đó để giải quyết ổn thỏa chứ giờ nóng giận cũng không giải quyết được việc gì. Các thầy cũng tu hành cũng là người trần mắt thịt thôi cũng chưa phải là thần thánh nên cũng không thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm”, ông nói.
Ông Dùng cho biết sẽ tiếp tục gửi hũ tro của người thân ở chùa Kỳ Quang 2 vì không muốn thấy chùa trống vắng khi ai cũng đưa hết tro cốt đi.
Bà Phạm Thị Quỳnh Hoa (50 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cũng đã tìm được hũ cốt của mẹ. Cũng như nhiều người khác, ngày lễ Vu Lan bà đến chùa thăm mẹ thì biết thất lạc hũ cốt và bị bóc hình, bài vị. Tự trấn an bản thân, bà Hoa tự nhủ không buông lời xúc phạm các thầy.

Ông Dùng rạng rỡ kể lại quá trình xuống nhận hũ cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Không phải vì tôi tìm được mẹ tôi mà tôi nói vậy nhưng tôi cũng là nạn nhân mà. Nếu không tìm được mẹ thì tôi cũng đồng ý với mọi người theo số đông. Những người nào có thân nhân chưa tìm được hũ cốt cứ thành tâm, người nhà mình sẽ phù hộ để mình biết, rồi cũng sẽ tìm ra thôi”, bà nói.
Bà Hoa cũng chia sẻ thêm, sau khi tìm được hũ cốt của mẹ vẫn sẽ tiếp tục để hũ cốt tại chùa Kỳ Quang 2. “Ai muốn mang đi đâu thì mang, riêng tôi vẫn sẽ để cốt lại ở chùa rồi khi nào chùa không cho để nữa thì mới đưa mẹ đi nơi khác. Tại vì giờ đã đau đớn lắm rồi nên giờ không muốn đưa mẹ đi đâu nữa”, bà bộc bạch.

Nhiều người kể lại quá trình xuống nhận diện hũ cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Không chỉ những người thân đến nhận diện, những người chưa có tên trong danh sách cũng đến chùa. Bà Nguyễn Thị Kim Trị (65 tuổi) đợi điện thoại cả ngày hôm qua nhưng chưa nhận được thông báo của chùa nên biết là chưa đến lượt đến nhận diện. Nhưng vì sốt ruột quá, ở nhà cũng bồn chồn nên bà đến chùa xem thử. Bà tâm sự vì gia đình con cái đang có người đang sinh đẻ, lại có người nằm bệnh viện cần người chăm sóc nên bà đến chùa một mình.
Gia đình bà Trị thất lạc hũ cốt của em trai bà gửi ở chùa Kỳ Quang 2 đã 10 năm. Bà tâm sự chỉ nhớ là hũ của em trai có bị mẻ một phần, rồi có nám nhang rớt xuống. “Hầu hết hũ của ai cũng vậy vì đốt nhang nên vậy là bình thường. Nếu không tìm lại được tôi cũng xin thủy táng tro cốt để cát bụi về với cát bụi, mong là ai cũng tìm lại được hũ cốt của người thân”, bà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.