Ly kỳ Sâm Ngọc Linh: Bóc mẽ

20/09/2019 08:30 GMT+7

Từ những tiết lộ “động trời” về các chiêu trò bán sâm Ngọc Linh , phương thức kiểm định còn quá nhiều lỗ hổng, chúng tôi đã thâm nhập thực tế để có cái nhìn cụ thể hơn...

Chuyến thâm nhập thực tế thị trường mua bán sâm Ngọc Linh (NL) của chúng tôi có lẽ cũng ở mức “cưỡi ngựa xem hoa” nếu không có sự tham gia của anh H. - một người chơi sâm có “số má” ở VN. Người đàn ông này dám cược cả gia tài để chơi sâm NL và lập riêng Hội quán sâm NL tại TP.HCM để chia sẻ những hiểu biết về nó với mọi người. Trong vai khách hàng, chúng tôi đã đến một số cửa hàng bán sâm này ở TP.HCM.

Tiếp cận

Trước khi đi thực tế anh H. cho biết, hiện nay người tiêu dùng đã “nghiên cứu” và vận dụng những hiểu biết có được trên mạng về sâm NL để có niềm tin mua được đúng loại đáng đồng tiền. Thế nhưng, rất nhiều người mua vẫn bị “hố hàng”. Sau khi “chấm” trước những điểm bán được quảng bá trên mạng khá rầm rộ, anh H. cùng tôi lên đường.

Một người mua được đúng sâm Ngọc Linh đã kiểm định

Điểm đầu tiên là một cửa hàng ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) chuyên bán sâm NL nuôi trồng từ 6 - 10 năm tuổi. Khi chúng tôi hỏi mua loại hoang dã, họ nói trong tự nhiên sâm NL không còn nữa nên chỉ bán loại trồng chất lượng tốt. Họ còn cảnh báo xanh rờn: “Chỗ họ mới bán đúng sâm NL còn mấy chỗ khác toàn bán tam thất hoang nhưng nói là sâm này”. Anh H. hỏi: “Có giấy kiểm nghiệm hay lấy gì chứng minh đây là sâm NL không?”, họ trả lời: “Đây là sâm được chọn giống kỹ, trồng trên Kon Tum nên chắc chắn 100% và cam kết bao kiểm nghiệm”.
Tiếp theo, chúng tôi đến cửa hàng của một công ty cổ phần. Ở đây có rất nhiều sâm NL đã ngâm rượu và ngâm mật ong. Xin tư vấn cách nhận biết sâm đạt chất lượng, người bán hàng nhiệt tình chỉ dẫn, rồi đưa ra một số giấy chứng nhận từ các đơn vị kiểm nghiệm (tuy nhiên, hai cơ quan này không thuộc Viện Dược liệu hoặc Trung tâm sâm VN).
Ly kỳ Sâm  Ngọc Linh: Bóc mẽ

Rượu sâm Ngọc Linh cũng cần đem kiểm định mới biết được thật hay giả

Cửa hàng thứ ba chúng tôi đến thuộc Q.Tân Bình. Người bán hàng vồn vã giới thiệu các củ sâm NL và nói chắc như đinh đóng cột là sâm hoang dã. Họ còn đem “đối chứng” với loại sâm khác có hình dáng rất giống với sâm NL hoang dã và cho biết đó là sâm vũ diệp hoặc tam thất hoang. Để thuyết phục, người bán còn chỉ cách nhận biết sâm NL chính hiệu, sâm có hình dạng tương tự bằng cách quan sát thân sâm, mắt sâm, thớ sâm, màu sắc... Khi chúng tôi hỏi căn cứ nào chứng minh sâm NL của cửa hàng là thật và chỉ số về hàm lượng hoạt chất đạt tiêu chuẩn ra sao, họ liền cam kết: Nếu chúng tôi cần cũng sẽ “bao kiểm”.
Không phải tay chơi sâm sành sỏi hoặc dân trong nghề thì qua việc “mắt thấy, tay rờ” và nghe cam kết xanh rờn từ ba cửa hàng trên rất dễ xiêu lòng. Thật tình, tôi cũng thấy độ tin cậy của ba cửa hàng trên rất cao. Tuy nhiên, với anh H. “đó là cái bẫy chết người”.

Sự thật

Về nơi đầu tiên, anh H. chia sẻ, họ thuyết phục khách hàng bằng sâm trồng nguyên củ còn cả hoa lá, hình thái y như sâm NL và khẳng định chính hiệu, đạt chuẩn. Nhưng sâm ở đây chưa có giấy kiểm nghiệm. “Việc phân biệt bằng hình thái và kinh nghiệm trong thời điểm hiện nay là điều khó chấp nhập được”, anh H. nói. Hơn nữa, sâm NL được trồng nhiều nơi tại Kon Tum và Quảng Nam, để có được loại đạt yêu cầu phải trồng theo đúng quy trình, đúng vùng có thổ nhưỡng phù hợp.
“Sâm NL xuất xứ vùng nào mới quan trọng. Ở những vùng khác nhau hàm lượng saponin cũng khác nhau. Thậm chí, có những vùng hàm lượng saponin đặc trưng M-R2 của sâm NL rất ít hoặc không có. Hoạt chấtM-R2 của nó có nơi phải tổng  hợp từ 4 - 5 kg mới bằng 1 kg ở nơi khác”, anh H. giải thích.
Ly kỳ Sâm  Ngọc Linh: Bóc mẽ
Ly kỳ Sâm Ngọc Linh: Bóc mẽ

Sâm Ngọc Linh giả (ảnh dưới) trông hình thái toàn bộ thân, củ, lá rất giống sâm Ngọc Linh thật (ảnh trên) nhưng hoàn toàn không phải

Về cửa hàng thứ hai, có kiểm định nhưng các đơn vị thực hiện kiểm định này không nghiên cứu chuyên sâu về sâm NL và không có mẫu chuẩn làm đối chứng. “Cả nước có vài trung tâm kiểm định có chuyên môn và uy tín với quy trình kiểm định nghiêm ngặt. Ở đây cũng luôn giữ mẫu để đối chứng. Còn việc kiểm nghiệm ở những đơn vị khác có thể không cho kết quả chính xác nhất”, anh H. cho biết.
Cửa hàng cuối cùng chỉ bằng kinh nghiệm và mắt thường để phân biệt, tư vấn bán sâm NL “thật” cho khách hàng. Cụ thể, họ chỉ phân biệt được sâm vũ diệp và tam thất hoang. Nhưng theo anh H., tương tự cửa hàng đầu tiên, nhìn hình thái để phân biệt ngay cả anh cũng có thể bị nhầm.
“Cửa hàng khẳng định “bao kiểm” thì chắc chắn sâm tốt rồi”, tôi thắc mắc. Anh H. lắc đầu cho rằng đó là “nghệ thuật” bán hàng thôi. Vì thực tế, khách hàng tin người bán đã cho bao kiểm thì ít ai đi kiểm định lại. Hơn nữa, một mẫu sâm đem đi kiểm định phải tốn khá nhiều tiền và phải cắt bớt ít mẫu làm hao hụt trọng lượng. “Đối với chúng tôi, mỗi củ sâm khi thu mua về đều phải đem kiểm nghiệm ở những đơn vị có chuyên môn, uy tín. Dù chi phí kiểm nghiệm khá cao, khoảng 5 triệu đồng/kg loại 10 củ, nhưng việc kiểm nghiệm từng củ giúp loại bỏ hoàn toàn những củ sâm không đạt yêu cầu, lựa chọn được những củ đạt chuẩn nhất”, anh H. nói.
Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi tìm gặp anh T., một người chơi sâm có tiếng khác tại Đà Nẵng. Anh này cho biết, từ năm 2003 đến nay hơn 5.000 củ sâm NL thu mua đều phải kiểm định 100%, tỷ lệ không đủ chất lượng trả lại chiếm tối thiểu 20%, có khi lên đến 50 - 60%. Nhưng, anh T. cho rằng có một sự thật “trớ trêu”, các củ sâm mà anh T. phát hiện bị nối ghép, kiểm nghiệm không đạt trả về đầu mối thì không ai dám vứt bỏ. “Người bán bằng chiêu này, chiêu kia cũng “móc túi” được khách hàng nhẹ dạ cả tin. Hoặc họ có thể mang đi kiểm nghiệm ở một nơi không chuyên, thậm chí “móc ngoặc” để có kết luận đạt chất lượng. Sau đó, dùng “cái bùa” kiểm định này thuyết phục khách bán với giá rất cao”, anh T. tiết lộ.

Sâm Ngọc Linh hoang dã gần như cạn kiệt

Mặc dù sau nhiều năm nghiên cứu di thực và trồng trọt, sản lượng của sâm NL vẫn rất giới hạn, đặc biệt là loại hoang dã gần như cạn kiệt.  Gần đây, các nhà khoa học phát hiện một thứ mới của sâm VN (hay còn gọi là sâm Ngọc Linh) tại Lai Châu nên được đặt tên là sâm Lai Châu. Loài này hiện cũng đang được trồng khá nhiều tại Vân Nam - Trung Quốc nên nhiều thương lái gọi là sâm NL Trung Quốc. Sâm VN hoang dã còn được phát hiện tại Lào và được rao bán trên thị trường dưới tên sâm NL hoang dã với giá rất cao. Dù vậy, nhiều nguồn tin cho rằng hiện nay, nguồn hàng này đang cạn kiệt.
TS Lê Thị Hồng Vân (Giảng viên Khoa Dược liệu Trường ĐH Y Dược)
(còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.