Trong 7 án lệ vừa được TAND tối cao công bố, án lệ số 62/2023 về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con, được đánh giá có nhiều điểm mới và mang đậm tính nhân văn.
Khởi kiện để "tìm cha" cho con
Theo nội dung vụ án, chị L.T.D và anh T.V.C tự nguyện chung sống từ năm 2013, có tổ chức đám cưới theo phong tục, tập quán nhưng không đăng ký kết hôn. Tháng 3.2017, do mâu thuẫn, hai bên đề nghị và được TAND H.Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) tuyên bố không công nhận vợ, chồng.
Trong thời gian chung sống, hai người có một con chung là cháu P. (sinh ngày 12.1.2014). Từ khi cháu sinh ra, chị D. một mình nuôi dưỡng.
Tháng 10.2017, chị D. khởi kiện, đề nghị tòa án xác định cháu P. là con của chị và anh C.; đồng thời buộc anh C. cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1,5 triệu đồng, kể từ khi cháu sinh ra cho tới đủ 18 tuổi.
Tháng 11.2017, TAND H.Lộc Ninh xét xử sơ thẩm. Tại tòa, anh C. thừa nhận cháu P. là con của mình và chị D.; do mâu thuẫn trầm trọng nên chị không cho anh nhận con và khai sinh lấy họ theo họ mẹ.
Về vấn đề cấp dưỡng, anh C. nói mức chị D. yêu cầu là quá cao. Anh chỉ đồng ý chu cấp cho cháu P. 1,3 triệu đồng/tháng, tính từ tháng 11.2017 (thời điểm xét xử) chứ không phải từ khi cháu sinh ra.
HĐXX sơ thẩm sau đó quyết định công nhận cháu P. là con ruột của anh C., chị D. và giao cháu cho chị D. tiếp tục nuôi dưỡng; buộc anh C. cấp dưỡng cho con 1,5 triệu đồng/tháng, tính từ tháng 10.2017 (ngày chị D. làm đơn khởi kiện) đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Không đồng tình, chị D. kháng cáo vì cho rằng thời điểm cấp dưỡng phải tính từ lúc cháu P. ra đời. Anh C. cũng kháng cáo vì muốn giảm mức cấp dưỡng xuống 1 triệu đồng/tháng, đồng thời muốn nhận cháu P. về nuôi mà không cần chị D. cấp dưỡng.
Tháng 3.2018, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên phúc thẩm. HĐXX nhận thấy việc để cháu P. tiếp tục sống với mẹ là phù hợp, mức cấp dưỡng 1,5 triệu đồng/tháng cũng là hợp lý so với thu nhập của anh C.
Ngoài ra, luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ với con chưa thành niên phát sinh từ khi người con được sinh ra. Từ khi cháu P. ra đời đến tháng 10.2017, chị D. một mình chăm sóc, chi trả các chi phí nuôi con. Tòa sơ thẩm bỏ qua giai đoạn này là ảnh hưởng đến quyền lợi của chị.
Vì vậy, HĐXX phúc thẩm quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc anh C. hoàn trả 1/2 chi phí nuôi dưỡng cháu P. trong khoảng thời gian nêu trên cho chị D., tương ứng 42 triệu đồng.
Bảo vệ quyền lợi của người mẹ nuôi con một mình
Trao đổi với Thanh Niên, GS - TS Đỗ Văn Đại, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ, cũng là người trực tiếp đề xuất án lệ số 62/2023, nhận định đây là án lệ có nhiều nội dung mới và mang tính nhân văn.
Ông cho biết, trước khi án lệ này được thông qua, từng có quan điểm khác được đưa vào dự thảo án lệ, đó là công nhận thời điểm cấp dưỡng từ thời điểm tòa án xác định ai là cha của đứa trẻ chứ không phải từ lúc đứa trẻ sinh ra. Nhưng cuối cùng, quan điểm của ông được chấp nhận như trong án lệ đã nêu.
Theo GS - TS Đỗ Văn Đại, vụ án trên thuộc loại án ghi nhận chứ không phải xác lập quyền của trẻ, nghĩa vụ của người cha. Trên thực tế, các quyền và nghĩa vụ này đã tồn tại ngay từ thời điểm đứa trẻ sinh ra.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên từ khi con được sinh ra. Nghĩa là, dù không chung sống với con hoặc chưa được tòa án công nhận là cha hợp pháp, thì người đó vẫn luôn là cha ruột của đứa trẻ, vẫn phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên.
Nếu tính thời điểm cấp dưỡng từ khi xét xử là không công bằng cho người mẹ, bởi việc này không phụ thuộc vào ý chí của họ. Người cha có thể tìm cách trì hoãn ngày xét xử để né tránh nghĩa vụ chu cấp, hoặc trường hợp án bị hủy chẳng hạn, sẽ khiến thời gian giải quyết kéo dài, thậm chí đứa trẻ khi ấy đủ 18 tuổi và không còn được cấp dưỡng.
Ngược lại, nếu tính thời điểm cấp dưỡng từ khi trẻ sinh ra sẽ đảm bảo quyền lợi cho người mẹ, không phụ thuộc vào yếu tố khách quan là thời điểm xét xử.
Thông thường, trước khi tòa công nhận cha của đứa trẻ, người mẹ sẽ phải nuôi con một mình, thay thế cả phần người cha, rất thiệt thòi. Vì vậy, người mẹ xứng đáng được nhận lại lợi ích mà họ đã bỏ ra để thay phần người cha nuôi dưỡng con chung trong khoảng thời gian trên.
Quan điểm này vừa bảo vệ quyền lợi của người mẹ nuôi con một mình, vừa nâng cao trách nhiệm của người cha đối với gia đình.
Và với việc công bố án lệ 62/2023, từ nay, thẩm phán khi xét xử các vụ việc có tình tiết tương tự sẽ phải thống nhất áp dụng để xác định thời điểm cấp dưỡng cho con là từ khi cháu bé sinh ra đến lúc đủ 18 tuổi, chứ không phụ thuộc vào thời điểm xét xử vụ án.
Vẫn theo GS - TS Đỗ Văn Đại, án lệ 62/2023 không chỉ áp dụng trong trường hợp người mẹ đi "tìm cha" cho con và yêu cầu cấp dưỡng, mà còn hướng tới trường hợp người cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng không thực hiện.
Ví dụ, hai vợ, chồng có con chung và không ly hôn, nhưng từ khi vợ sinh con thì chồng bỏ đi, thậm chí chung sống với một phụ nữ khác như vợ chồng, để mặc vợ nuôi con một mình. Hoặc trường hợp người mẹ sinh con xong nhưng để cho người cha một mình nuôi dưỡng con.
Ở cả hai tình huống trên, tòa án đều có thể áp dụng án lệ 62/2023 để buộc người cha hoặc người mẹ có nghĩa vụ hoàn lại phần chi phí nuôi con thuộc trách nhiệm của mình cho đối phương.
Bình luận (0)