Tranh cãi phải có lý
PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học VN, không đưa ra ý kiến về việc nên hay không nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng. Theo ông, đó là việc thuộc về thẩm quyền chính quyền TP này. Ông chỉ muốn góp tiếng nói để đánh giá đúng công lao của vị linh mục Alexandre de Rhodes mà thôi. Theo đó, chữ Quốc ngữ đã ra đời gần 4 thế kỷ nếu lấy mốc là cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của A.de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma, Ý. Chữ Quốc ngữ đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa VN. Tuy nhiên, đó là sản phẩm sáng tạo của nhiều giáo sĩ châu Âu như: Gaspa de Amaral, Antonio Barbosa, Marcel Ferreyra (Bồ Đào Nha); Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine (Pháp); Francesco Busomi, Crisforo Borri (Ý) nhằm thực hiện truyền giáo một cách tốt nhất. “Bản thân ông Alexandre de Rhodes là người có công rõ ràng hơn cả bằng cách làm ra cuốn từ điển. Bây giờ làm rõ công của ông ấy về chữ Quốc ngữ là không thể phủ nhận”, ông Tình cho biết.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác lại đưa ra ý kiến “sát ván” hơn về việc nên hay không đặt tên đường Alexandre de Rhodes. Chẳng hạn, theo dịch giả Phạm Long, việc cho rằng Alexandre de Rhodes dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta là sai. Sai sót này xuất phát từ việc dịch thuật sai từ “soldats” thành binh lính, trong khi đó, từ này trong ngữ cảnh được đưa ra cần hiểu là các nhà truyền giáo.
Nhà văn chuyên viết về Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tiến, cho rằng theo Nghị định 91 về việc đặt tên đường, một tên sẽ không được đặt khi còn gây tranh cãi. Nhưng phải xác định rõ tranh cãi là tranh cãi thế nào. “Phải xem ý kiến phản đối đó của ai, người đó có hiểu biết hay không, họ có chứng cứ đáng tin cậy hay không. Nghĩa là chúng ta không phản đối tranh luận để đi đến chân lý nhưng tranh luận phải có học thuật, lý lẽ. Chúng ta cũng nên có quy định khi có tranh luận thì nên lập hội đồng thẩm định thế nào. Nếu không, sẽ thiệt thòi cho người đặt tên phố”, ông Tiến nói.
PGS-TS Tình cho rằng: “Việc Đà Nẵng tạm dừng việc đặt tên đường là đúng. Khi có tranh cãi, chưa đồng thuận thì nên tạm dừng, sau đó làm rõ cho thỏa đáng. Phải điều tra thu thập thông tin... Chỉ có điều tạm dừng bao nhiêu lâu hay tạm dừng rồi dừng luôn”.
Cần có cái nhìn lịch sử cởi mở hơn
Ông Tiến cũng nói đến việc đặt tên đường tại các địa phương. Hiện nay, theo quy định của Nghị định 91, các địa phương Hà Nội và TP.HCM khi đặt tên cần có thêm sự thẩm định của Bộ VH-TT-DL. Các TP khác sẽ tự làm việc thẩm định này. Tiêu chí hiện nay là người có công với địa phương, đất nước. “Anh hùng dân tộc, danh nhân, những người có công với đô thị ấy. Nên có những địa phương số danh nhân ít, vì thế cũng không đủ quỹ tên mà đặt. Nhưng lại cũng có TP như Hà Nội có khả năng chọn được rất nhiều tên, không lo vỡ quỹ tên đường”, ông Tiến nói.
Mặc dù vậy, theo ông Tiến, để có quỹ tên đường dồi dào cho Hà Nội hoặc TP.HCM cũng cần có cái nhìn lịch sử cởi mở hơn. “Chúng ta còn vướng quan điểm một thời dai dẳng. Chẳng hạn, các nhà tư sản yêu nước, họ đóng góp cho VN năm 1945 nhiều tiền vàng thì có tôn vinh họ không. Họ là tư sản dân tộc nhưng đã có lúc bị coi là giai cấp bóc lột. Hay còn nhiều nhà tư sản dân tộc làm từ thiện trong suốt thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, họ tác động tốt đến xã hội mà không đặt tên. Rồi hàng loạt người Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục phải đi tù ở Côn Đảo. Có đặt tên ai đâu...”, ông Tiến nói và cũng cho rằng, trong trường hợp thiếu tên đường là tên riêng, hoàn toàn có thể dùng số. “Với các địa phương thiếu tên danh nhân, có thể dùng số cũng thuận tiện. Vì thế, có thể nhắm đến chuyện đánh số hoàn toàn hợp lý thôi. Nếu không có gì mà đặt thì đặt bằng số. Mà số cũng dễ nhớ”.
Rà soát lại lịch sử, quy định
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN: “Tôn vinh là tôn vinh người có công, có đóng góp bất kỳ họ thuộc thời đại nào. Như thế mới đúng tinh thần biết ơn của dân tộc. Chẳng hạn, có nhiều người phương Tây có công với phát triển của VN. Nhà dân tộc học Condominas là một ví dụ. Ông là người đã có nhiều công trình nghiên cứu dân tộc học có giá trị ở VN”. Hoặc trong trường hợp của chữ Quốc ngữ, hoàn toàn có thể cân nhắc vinh danh những người khác đã cùng ông Alexandre de Rhodes phát triển chữ Quốc ngữ.
Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho rằng đã đến lúc cần thay đổi Nghị định 91 của Chính phủ về việc đặt tên đường phố. “Nó cũ rồi. Một là nghị định bây giờ cũng phải mở rộng ra. Tên đường là phải có tên số. Số trong nghị định không cho. Các khu đô thị chẳng hạn. Mỹ Đình 1, 2, 3, 4, 5 có phải tiện không. Còn phải chuyển sang khu đô thị mới có quy hoạch, đặt tên số. Mà sau này 4.0 làm số hóa dễ. Thậm chí, mình nhìn Google Maps tìm đường trên bản đồ nó nhanh. Nhu cầu đặt tên đường phố ở toàn quốc rất lớn vì đô thị hóa nhanh. Nếu không đi theo kịp thì người dân sẽ tự treo biển, sẽ thành không khoa học”, ông Trương Minh Tiến nói.
Ông Trương Minh Tiến cũng cho rằng nên bổ sung việc đặt tên trong khu đô thị. Hiện nay, có những khu đô thị tự đặt tên đường nội khu. “Điều đó không nên, đó là đường đi lại công cộng thì phải nhà nước đặt tên. Ví dụ, đô thị bên Long Biên (Hà Nội) tự đặt là không đúng. Liên quan đến hành chính thì phải để nhà nước đặt, tuy người dân có quyền đề xuất tên”, ông nói.
Bình luận (0)