Ly mì tôm giữa Sài Gòn của anh xe ôm

15/10/2018 19:04 GMT+7

Tôi đặt xe ôm Grab về nhà, tài xế alo nói chị đợi em một chút, sắp tới rồi. 5 phút sau, chiếc xe máy cũ xuất hiện bên lề đường. Anh cầm lái bằng một tay. Tay kia cầm ly mì còn đang bốc khói.

“Chị đợi em 2 phút nữa nha. Em ăn nốt. Vừa mua được ly mì thì chị gọi xe nên em ráng chạy tới”. Tôi hỏi anh ăn sáng hay ăn trưa. “Ăn sáng chị à. Chạy từ sáng sớm tới giờ, chưa có gì bỏ bụng”. Tôi ngó đồng hồ, lúc ấy là gần 11 rưỡi. Trời nắng gay gắt. Anh đứng nép bên lề đường Huyền Trân Công Chúa. Sau lưng là một thùng rác công cộng, đồ ăn vương vãi cả ra ngoài. Tán cây dầu che không đủ bóng mát xuống một người đàn ông khắc khổ.
Dọc đường về nhà, anh kể anh chạy xe ôm, mỗi tháng có khoảng 6 triệu đồng. Vợ làm công nhân, mỗi tháng được 4 triệu rưỡi nữa. Cả nhà chỉ dám đẻ một đứa con, giờ nó học lớp 1 rồi, chi phí nhiều quá, cả tiền thuê nhà, tiền đóng học, tháng nào nhà cũng hết veo chẳng còn đồng nào dư. Tôi xuống xe, thấy buồn miên man.
Chiều nào chạy xe máy dọc đường Nguyễn Biểu lên cầu Chữ Y cũng thấy người ăn xin ngồi rải rác, người ta ngồi đấy cả lúc nắng cũng như khi trời mưa. Trên người khoác một tấm vải nhựa tơi tả, khuôn mặt bạc phếch của nhiều người phụ nữ và đàn ông đờ đẫn nhìn dòng người xuôi ngược. Âu cũng là những phận đời.
Trên đường Lê Quang Kim, quận 8 có một khu chung cư hiện đại mới đón cư dân vào ở. Chỉ cách có vài bước chân là xóm nghèo Nguyễn Duy, nơi những mái nhà lá xập xệ ven Kênh Đôi ở tạm khi thành phố chưa giải tỏa. Vài bước chân mà những số phận khác nhau, những cuộc đời đối lập. Những căn hộ đầy đủ tiện nghi, cửa kính sáng choang, bể bơi hiện đại cho những em bé chiều chiều theo ba mẹ đi nghịch nước… Bên kia những mái nhà lá ọp ẹp ngày mưa dột tứ tung, những đứa trẻ lem nhem bùn đất ngày đi bán vé số, chiều theo mẹ ra chợ lượm túi ni lông. Âu là những khuôn mặt đối nghịch của thành phố này.
Sài Gòn hoa lệ, có hoa và cũng có lệ, có giàu sang và giọt nước mắt đau buồn rơi giữa những đói khổ cơ cực của nhiều mảnh đời. Có những cuộc đời ngày hôm nay giàu sang, phú quý nhưng thú chơi xa hoa, trác táng, chữ “phúc”, dẫu từng có cũng lụi tàn. Ngày hôm qua, mẹ chồng tôi đi tiễn biệt một người em dâu trong gia đình, những ngày tháng cuối cùng trên cuộc đời, bà không có một mái nhà vì tất cả tài sản trước giờ đã bị cuốn theo đam mê bài bạc, lô đề của chính mình. Đám tang, đau xót, không có một giọt nước mắt của những người con trai - con gái bà đã dứt ruột đẻ ra.
Cát bụi rồi cũng về với cát bụi. Giàu - nghèo cũng chỉ trong chớp mắt, “quan trọng là ta đã sống một cuộc đời thanh thản và có ý nghĩa”, đấy là lời nói của anh xe ôm Grab với ly mì còn bốc khói trên tay bảo với tôi. “Lương thấp thì mình sống theo kiểu lương thấp, có ít thì tiêu kiểu ít, nhiều tiêu kiểu nhiều. Tiền bao nhiêu rồi cũng hết chị à, có mang xuống mồ được đâu. Em ăn mì tôm mà thấy vui. Thôi cứ sống miễn sao ngày nào cũng lo được cho vợ con, nhìn thấy con lớn khôn”, anh tài xế với chiếc áo khoác xanh lá cây đã sờn màu, thủng thẳng.
Sài Gòn, có những con người dễ thương như thế. Có những triết lý cuộc đời, đúng đến kinh ngạc, được đọc ra từ những người rất bình dị. Đừng chán nản với tiền lương, than thở chuyện chồng con và vụn vặt với hoài nghi về chính bản thân mình nữa, bước xuống phố đi, có thể bạn sẽ gặp một người đàn ông chạy xe ôm, ăn mì tôm, nói cho bạn nghe cuộc đời này còn đáng yêu nhiều lắm…
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến …, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ [email protected].
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.