Lý Sơn khát nước ngọt

28/05/2023 07:03 GMT+7

Tình trạng thiếu nước ngọt trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) diễn ra trong nhiều năm nay khiến người dân lo lắng. Trong khi đó, dự án dự trữ nước ngọt cho đảo lại triển khai dở dang.

Dở dang dự án 75 tỉ đồng

Dự án "Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn" được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt vào ngày 31.10.2017, nhằm tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 người và tưới tiết kiệm cho 80 ha đất nông nghiệp.

Lý Sơn khát nước ngọt - Ảnh 1.

Dự án “Hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn” tạm dừng thi công từ tháng 4.2020 đến nay

Hải Phong

Dự án gồm 2 bể chứa nước, các tuyến kênh thu gom nước, 2 trạm bơm chìm và hệ thống đường ống dẫn nước đến các bể nhận nước với dung tích khoảng 8 m3/bể. Tổng mức đầu tư 75 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2020, do UBND H.Lý Sơn làm chủ đầu tư.

Thế nhưng, đến tháng 4.2020, dự án mới thực hiện đạt khoảng 21% khối lượng thì tạm dừng cho đến nay. Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cho biết dự án bị chậm trễ do công tác khảo sát chưa kỹ, chưa bám sát đồ án quy hoạch được phê duyệt và gặp khó khăn trong lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nên phải điều chỉnh nhiều lần.

Trong đó, điều chỉnh mở rộng bể chứa nước số 1, không thực hiện bể chứa nước số 2, bổ sung bể chứa nước 2A (tại chân núi Giếng Tiền) và bể chứa nước số 3 (tại đồng Thầu Đâu). Nhưng quá trình thực hiện điều chỉnh lại phát hiện bể chứa nước 2A nằm trong khu vực bảo vệ của di tích thắng cảnh núi Giếng Tiền nên tiếp tục điều chỉnh mở rộng bể nước 3.

"Dự án đang tạm dừng thi công còn do H.Lý Sơn chờ phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 theo quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất để có cơ sở cập nhật, tiến hành làm các bước điều chỉnh dự án", bà Hương cho biết thêm.

Liên quan vấn đề trên, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh dự án của chủ đầu tư cùng các sở, ngành liên quan. Tuy nhiên, xét thấy còn nhiều vấn đề chưa rõ nên tỉnh chưa đồng ý các đề xuất trên.

Qua kiểm tra dự án, ông Minh yêu cầu H.Lý Sơn phải có báo cáo tổng thể, toàn diện và làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, lập dự án khi trình chủ đầu tư. Sau khi có báo cáo giải trình của đơn vị tư vấn lập dự án, H.Lý Sơn tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi, chậm nhất trước ngày 30.5.2023.

"Giao Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, chủ động phối hợp các sở, ngành tiến hành rà soát toàn diện dự án, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giải quyết vướng mắc", ông Minh nói.

Lý Sơn khát nước ngọt - Ảnh 2.

Gần 100 đường ống thi nhau hút nước ngọt tại 1 giếng nước ở H.Lý Sơn

HẢI PHONG


Toàn đảo nhiễm mặn, thiếu nước ngọt

Từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra văn bản cấm đào, khoan giếng mới để bảo vệ túi nước ngọt trên đảo Lý Sơn. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn khoan giếng đều phải xin phép. Mặc dù vậy, đến nay tình trạng thiếu nước ngọt và nhiễm mặn đã lan rộng ra toàn đảo Lý Sơn, khiến 325 ha đất nông nghiệp và hơn 22.000 người dân trên đảo phải chịu cảnh khát nước ngọt. Tình trạng này còn gây áp lực lớn cho việc phát triển du lịch của huyện đảo, bởi lẽ hằng năm H.Lý Sơn đón khoảng 165.000 - 230.000 khách, có thời điểm lên đến vài nghìn khách mỗi ngày.

Bên cạnh đó, trên đảo Lý Sơn có rất nhiều người dân đang sống bằng nghề nông, trồng hành, tỏi… nên cần lượng nước ngọt rất lớn để tưới tiêu. Thời điểm này, nước ngọt khan hiếm nên một số hộ dân đành bỏ ruộng hoang, chờ có nước trở lại mới canh tác.

Ông Trần Đức Hoài (54 tuổi, ở H.Lý Sơn) cho biết, mấy năm gần đây cứ đến mùa nắng là trên đảo Lý Sơn liên tục thiếu nước ngọt. Nhu cầu sử dụng nước của người dân trong sinh hoạt và phục vụ cho nông nghiệp ngày một lớn, nhưng nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm nên nhiều người dân rất lo lắng.

"Bước vào mùa nắng, nguồn nước ngọt trên đảo Lý Sơn lại thiếu, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng cao. Một số người dân phải đi mua nước về để sử dụng cho việc ăn uống và phục vụ sinh hoạt", ông Hoài nói.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi có ý định đầu tư hệ thống thu gom 1 triệu m3 nước mưa trên đảo Lý Sơn với kinh phí 250 tỉ đồng để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt.

Theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, với diện tích hơn 10 km2, ước tổng lượng nước mưa trên đảo Lý Sơn khoảng 9 triệu m3/năm. Nếu trừ lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, lượng nước mưa còn lại khoảng 3 triệu m3 chảy tràn ra bề mặt, sau đó đổ ra biển rất lãng phí. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho các hộ dân trên đảo và phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ cần hơn 1 triệu m3/năm.

Ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng giải pháp khả thi nhất là đầu tư xây dựng hệ thống kênh xung quanh đảo để thu gom nước mưa vào các bể trữ tập trung với tổng kinh phí đầu tư khoảng 250 tỉ đồng.

"Hiện các đơn vị liên quan đang khảo sát việc đầu tư hệ thống kênh mương quanh đảo Lý Sơn để thu gom nước mưa vào các bể trữ tập trung. Phương án kỹ thuật sẽ được Sở trình UBND tỉnh Quảng Ngãi trong vài tháng tới. Hệ thống này có thể thu gom hơn 1 triệu m3 nước mưa mỗi năm. Trong đó, 600.000 m3 nước làm nông nghiệp, thủy sản, số còn lại dùng cho sinh hoạt và phục vụ du lịch", ông Hùng cho biết thêm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.