Còn trên thực tế, điều gì sẽ xảy ra khi cầu thủ tuyên bố muốn đi nơi khác? Romelu Lukaku bị CLB chủ quản Chelsea phạt tiền và buộc phải xin lỗi. Lukaku có quyền, nhưng không dám kháng cự, bởi anh ta biết sẽ bị đồng đội tẩy chay và bị HLV gạt bỏ - tùy chọn thôi!
Rangnick không còn làm chủ được phòng thay đồ, M.U đang rơi vào khủng hoảng |
AFP |
Ở M.U, đó là thái cực ngược lại. Có đến 11 cầu thủ tuyên bố họ đang cảm thấy khó chịu dưới thời HLV Ralf Rangnick và muốn chuyển đi nơi khác, ngay trong “cửa sổ mùa đông này”. Dĩ nhiên chẳng phải muốn đi là được. Nhưng, khác biệt ở chỗ chẳng ai làm gì họ. Đó là dấu hiệu cho thấy HLV trưởng thực ra không có chút quyền lực nào, và toàn đội đã rơi vào khủng hoảng. HLV Rangnick không dám trừng phạt các cầu thủ hạng bét (ở M.U) như Donny Van de Beek, Jesse Lingard hoặc Dean Henderson, như cái cách mà HLV Thomas Tuchel trấn áp ngôi sao 97,5 triệu bảng Lukaku ở Chelsea, trước tiên là vì Rangnick đâu có đáng mặt HLV trưởng! Phương pháp huấn luyện của ông đã bị chỉ thẳng là không thích hợp. Lối chơi Gengen-pressing của ông tỏ ra vô dụng. Hoặc lối chơi hay, phương pháp huấn luyện hay, nhưng M.U không triển khai được. Và kết quả thực tế là M.U lần đầu tiên thua Wolverhampton ngay tại sân nhà Old Trafford, sau khi không thắng nổi Newcastle trong nhóm rớt hạng.
Thách thức lớn cho Rangnick, Manchester United vẫn như mớ bòng bong |
Bản thân Rangnick chỉ ký hợp đồng đến hết mùa này, trong khi giới chuyên môn cho rằng cần khoảng 6 tháng để một HLV mới áp đặt lối chơi, phương pháp huấn luyện mới mẻ của mình. Có nghĩa Rangnick và M.U mùa này là một sự ráp nối không khớp. Lỗi tại ai? M.U hoàn toàn không có khả năng điều hành chuyên môn. Giám đốc điều hành Ed Woodward vừa ra đi, trong khi người mới Richard Arnold còn chưa làm việc. Chính vì Woodward - một chuyên gia đầu tư, chuyên ngành ngân hàng - mù tịt về chuyên môn bóng đá mà M.U mới tan hoang trong tay cựu cầu thủ Ole Gunnar Solskjaer, vốn chưa bao giờ cầm quân ở đẳng cấp cao. Những hậu quả Solskjaer để lại, Rangnick không giải quyết được.
Henderson, Lingard, Van de Beek, Eric Bailly… đòi ra đi vì dù biết thái độ như thế là sai, họ vẫn không thể bị phạt. Chính Solskjaer hứa sẽ để họ thi đấu nhiều hơn, nhưng ông ta không thực hiện lời hứa. Bây giờ, Rangnick bị các cầu thủ dự bị “đòi nợ”. Sẽ chẳng xảy ra chuyện gì nếu như Rangnick cải thiện được lối chơi. Đằng này, cách chơi cổ lỗ sĩ dựa theo sơ đồ 4-2-2-2 đã bị bóng đá đỉnh cao từ bỏ hàng chục năm rồi. Rangnick gần đây đâu có huấn luyện! Chẳng qua ông không cưỡng được lời mời hấp dẫn của M.U nên trở lại cầm quân và lộ ra là quá lạc hậu. Còn chuyện Rangnick “là thầy Tuchel, Juergen Klopp” thì do báo giới phóng bút, dựng chuyện mà thôi. Vì Rangnick thất bại rõ ràng nên mới có cuộc nổi loạn trong phòng thay đồ.
Giải pháp trước mắt: M.U (lực lượng rất dày) có thể bán quách những “kẻ nổi loạn”, vì đằng nào thì họ cũng chẳng có vai trò gì. Ai muốn đi đều sẽ “duyệt” hết, còn nếu không kiếm được CLB chịu mua thì cầu thủ trong cuộc tự thấy xấu hổ. Những người ở lại sẽ tâm huyết, gắn bó hơn. Tinh thần là điều cuối cùng, và có lẽ là duy nhất, mà M.U có thể củng cố trong hoàn cảnh hiện thời. Có tinh thần sẽ lại hy vọng có thêm những điều quan trọng khác. Vấn đề là ai sẽ đứng ra bán hàng loạt cầu thủ? Chính Rangnick thừa nhận: chắc ông không có đủ thời gian để cứu vãn tình hình hiện thời. Về mặt lối chơi, M.U vứt sơ đồ 4-2-2-2 vào sọt rác cho rồi. Chỉ không biết liệu Rangnick có còn bài bản chiến thuật, cách chơi nào khác hay không.
Ở Premier League, Arsenal đang tung hoành, và HLV Mikel Arteta được đề cử cho giải thưởng HLV hay nhất trong tháng. Arsenal ấy đã bị M.U hạ 3-2, ở thời điểm… 1 ngày trước khi Rangnick xuất hiện. HLV lâm thời Michael Carrick, dẫn dắt M.U trong trận thắng Arsenal, giờ đã ra đi. Nhưng câu chuyện cho thấy: M.U đủ sức thắng đối thủ mạnh, mà không nhất thiết phải hỏi ai huấn luyện họ?
Bình luận (0)