Mã hóa đầu cuối suy yếu sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng

25/10/2021 08:28 GMT+7

Các chính phủ đang gây áp lực lên những gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Apple trong việc cấp cho cơ quan chức năng quyền truy cập vào tin nhắn được mã hóa.

Theo CNBC, cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden trong cuộc họp báo “Ngày mã hóa toàn cầu” đã lên tiếng cảnh báo, việc phá hoại hệ thống mã hóa để cung cấp cho các chính phủ quyền truy cập vào tin nhắn cá nhân của mọi người sẽ là một “sai lầm lớn” gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ việc làm yếu hệ thống mã hóa đầu cuối

CHỤP MÀN HÌNH

“Quyền riêng tư là sức mạnh, là quyền lực của các cá nhân. Nó là để bảo vệ chúng ta khỏi những thể chế khổng lồ, cho dù là thời hiện đại hay trước đây. Đó là một lớp cách nhiệt cho phép chúng ta, những người nắm giữ rất ít quyền lực trong xã hội bởi vì chúng ta là những cá nhân, suy nghĩ, hành động và liên kết một cách tự do”, ông Snowden nói từ Nga qua liên kết video trong cuộc họp báo đánh dấu “Ngày mã hóa toàn cầu” đầu tiên hôm 21.10.

Hiện các chính phủ trên khắp thế giới gây áp lực lên những gã khổng lồ công nghệ để được quyền truy cập vào tin nhắn được mã hóa. Một số nước còn kêu gọi thực hiện biện pháp “cửa sau” cho phép họ bỏ qua việc mã hóa. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Úc, Nga và Trung Quốc nằm trong số các khu vực pháp lý “đang cố gắng phát triển các phương tiện và phương pháp để yêu cầu làm yếu đi các hệ thống mã hóa”, ông Snowden cho biết.

Các công ty công nghệ cho rằng mã hóa đầu cuối (end-to-end), xáo trộn các tin nhắn trong quá trình gửi để chỉ người nhận ​​mới có thể xem chúng, là điều quan trọng để đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, các chính phủ lại lo ngại rằng công nghệ này ngăn cản pháp luật điều tra tội phạm nghiêm trọng như khủng bố và lạm dụng tình dục trẻ em. Việc sử dụng mã hóa đầu cuối từ lâu đã trở thành điểm gây tranh cãi giữa các chính phủ và các công ty công nghệ lớn. Ví dụ, Apple thường xuyên xung đột với các cơ quan chức năng Mỹ về mã hóa và quyền riêng tư dữ liệu.

Facebook “không quan tâm”

Khi nhắc tới Facebook và những gã khổng lồ công nghệ khác, ông Snowden nhận xét: “Chính những công ty từng làm việc chăm chỉ cho mã hóa đầu cuối trong nhiều năm nay lại đang bắt đầu lo sợ về bước tiếp theo. Các công ty như Facebook muốn có càng nhiều thông tin càng tốt. Vì vậy, bây giờ họ đang giới hạn nơi họ sẽ sử dụng mã hóa đầu cuối. Họ sẽ nói rằng đối với những thứ không liên quan đến kinh doanh, thì họ sẽ áp dụng mã hóa đầu cuối. Họ không quan tâm đến xã hội. Họ quan tâm đến lợi ích của họ”.

Nhận xét của ông Snowden có vẻ mâu thuẫn với thông điệp ủng hộ mã hóa của Facebook. Công ty từng phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các quan chức ở Mỹ và Anh về kế hoạch đưa mã hóa đầu cuối vào tất cả các ứng dụng nhắn tin của mình. Năm ngoái, Mỹ và các đồng minh trong nhóm “Five Eyes”, bao gồm Anh, Canada, Úc và New Zealand, đã đưa ra tuyên bố kêu gọi các công ty công nghệ phát triển một giải pháp cho phép cơ quan thực thi pháp luật truy cập tin nhắn được mã hóa chặt chẽ. Trong khi đó, EU đang thúc đẩy ngành công nghệ tìm cách cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật quyền truy cập vào bằng chứng kỹ thuật số “mà không cấm hoặc làm suy yếu mã hóa”.

Apple gần đây đã trì hoãn kế hoạch kiểm tra thiết bị của người dùng để tìm hình ảnh bóc lột tình dục trẻ em sau những lời chỉ trích từ những người ủng hộ quyền riêng tư. Theo Apple, hệ thống sẽ không thực sự quét ảnh của mọi người, thay vào đó sẽ tìm kiếm bằng chứng “vân tay” kỹ thuật số khớp với cơ sở dữ liệu của Mỹ về lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận về quyền kỹ thuật số Electronic Frontier Foundation đã coi động thái này như một hình thức “cửa sau” cho sự rình mò của chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.