Ma mãnh trong thể thao: Chiêu trò của cầu lông Trung Quốc

28/09/2016 10:06 GMT+7

Trong làng cầu lông thế giới, người hâm mộ vừa ngưỡng mộ tài năng của các VĐV đến từ Trung Quốc nhưng cũng vừa chế nhạo chiêu trò diễn kịch để thống trị môn thể thao này.

Những màn diễn kịch phi thường
Tại Olympic 2012, Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) gây chấn động với quyết định loại 8 VĐV khỏi vòng tứ kết môn cầu lông nội dung đôi nữ, gồm đôi vô địch thế giới Wang Xiaoli - Yu Yang (Trung Quốc), Jung Kyun-eun - Kim Ha-na, Ha Jung-eun - Kim Min-jung (đều của Hàn Quốc) và đôi Meiliana Jauhari - Greysia Poli (Indonesia). Các VĐV trên bị truất quyền thi đấu do cố tình thua một trận đấu ở vòng bảng (thể thức thi đấu vòng tròn) với mục đích rơi vào nhánh bốc thăm thuận lợi ở vòng đấu loại trực tiếp. Cụ thể là tránh phải giáp mặt với đôi hạt giống số 2 Tian Qing - Zhao Yunlei của Trung Quốc ở bán kết để hướng đến mục tiêu đoạt HCV.
Theo BWF, 4 đôi bị buộc tội “không nỗ lực hết sức để giành chiến thắng một trận đấu” và “cố tình thực hiện những hành động đi ngược với tinh thần thể thao” dù không có bất kỳ mối liên quan nào đến bán độ. Điều tra của BWF cho thấy cuộc đấu giữa Wang Xiaoli - Yu Yang gặp Jung Kyun-eun - Kim Ha-na và Ha Jung-eun - Kim Min-jung đụng độ Meiliana Jauhari - Greysia Poli xuất hiện hàng loạt lỗi cơ bản một cách bất thường, không có loạt nào quá 4 pha đánh cầu vì chẳng đôi nào muốn thắng. Màn diễn kịch của các VĐV đã bị chế nhạo, la ó từ khán giả ngay địa điểm thi đấu Wembley Arena và “cơn bão” chỉ trích từ dư luận thể thao thế giới.

tin liên quan

Vì sao bóng bàn Trung Quốc thống trị thế giới?
Nhà báo Nguyễn Lưu - chuyên gia bóng bàn hàng đầu Việt Nam đã thể hiện sự am tường và quan điểm sắc sảo của mình về sự thống trị thế giới của bóng bàn Trung Quốc trong bài viết cho thethao.thanhnien.vn.
Tờ The Daily Telegraph mô tả màn kịch khôi hài của các cặp đấu là “những trận đấu phi thường khi các VĐV hàng đầu thế giới cố tình giao cầu nhẹ nhàng vào lưới và khéo léo đánh cầu ra ngoài một cách hoàn hảo”, còn BBC chỉ trích hành động của họ dẫn đến “đêm của sự xấu hổ” khi ngay cả trọng tài cũng bất lực dù đưa ra nhiều cảnh báo. Trong khi đó, tay vợt nữ người Bulgaria Petya Nedelcheva chỉ trích thẳng trên tờ The Guardian: “Trung Quốc kiểm soát mọi thứ và phá hoại danh tiếng của môn cầu lông sau những hành động dàn xếp như vậy”.
Chiến thuật gian lận công khai
Vì sao Trung Quốc lại là nguyên nhân dẫn đến sự cố tày đình này? Tờ The Independent khẳng định nhiều VĐV cầu lông của các nước Hàn Quốc, Indonesia luôn bức xúc vì BWF luôn ưu ái cho Trung Quốc dẫn đến việc nhiều giải đấu bị khống chế theo hướng có lợi cho kết quả thi đấu của họ, thậm chí phải tham gia vào chiêu trò “diễn kịch” của họ như con rối. Từ đó dẫn đến tình cảnh “tức nước vỡ bờ” ở Olympic 2012. Chính HLV Sung Han-kook của tuyển cầu lông Hàn Quốc thừa nhận rằng 2 cặp đôi của họ cố tình thi đấu đi ngược tinh thần thể thao nhằm trả đũa tuyển Trung Quốc.
Phía Indonesia cũng lý giải về phản ứng tiêu cực này nhằm muốn phá hoại kế hoạch “đóng kịch” của các VĐV đến từ Trung Quốc tại Olympic 2012, nhất là tuyên bố trước đó của Yu Yang. Chính Yu Yang nói với Tân Hoa xã rằng bản thân cô và nhiều tay vợt hàng đầu khác luôn dàn xếp để có được lợi thế giành huy chương cho quốc gia: “Chúng tôi thường chỉ lợi dụng các quy tắc và thường muốn từ bỏ các trận đấu”.
Thật vậy, với âm mưu cố tình dàn xếp ma mãnh, Trung Quốc đã biến nhiều giải đấu thành cuộc tranh đua của riêng họ. Điều này góp phần giúp Trung Quốc thống trị làng cầu lông thế giới trong nhiều thập niên qua và trở thành quốc gia sở hữu số lượng HCV đoạt được ở Olympic, Asian Games… nhiều nhất trong lịch sử ở tất cả các nội dung thi đấu.
Thống kê của website Badzine cho biết trong năm 2011, các VĐV cầu lông Trung Quốc đã 99 lần thực hiện kế hoạch dàn xếp thắng thua, trong đó hơn 20 trận bỏ cuộc trước và trong trận đấu. Badzine nhấn mạnh: “Khi Trung Quốc đấu với Trung Quốc, có đến 19,8% các trận đấu không hoàn thành do họ móc ngoặc với nhau. Nhưng khi Trung Quốc đụng độ với đối thủ quốc gia khác thì con số trên giảm xuống chỉ còn 0,21%. Tình trạng như vậy được nghe rất nhiều tại các kỳ Olympic”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.