Được mệnh danh "ma thú" ở Nhật bản là Emoto Hajime (江本創/Giang Bổn Sang), sinh năm 1970 tại Hyōgo, một tỉnh ở vùng Kinki trên đảo Honshu (Nhật Bản). Anh tốt nghiệp thạc sĩ Chương trình nghệ thuật và thiết kế tại Đại học Tsukuba vào năm 1995, sau đó tham gia vào các hoạt động sáng tạo bằng tranh sơn dầu, làm việc trên các bản in, chủ yếu là in thạch bản bằng đồng và khắc axit, một kỹ thuật dùng axit hay thuốc cẩn màu (mordant) để cắt các chi tiết trên tấm kim loại, tạo ra những nét khắc chìm (intaglio).
Những tác phẩm thủ công của Emoto Hajime |
sow.ggnet.co.jp |
Đây là kỹ thuật trên tranh in từ khoảng đầu thế kỷ 16 mà Emoto Hajime đã ứng dụng cho đến năm 1999 rồi bắt đầu tạo ra các mẫu vật. Đó là những “quái vật tưởng tượng”, không tồn tại trong thực tế.
Nếu tham quan các tác phẩm nghệ thuật của Emoto Hajime ở Phòng trưng bày Aoki và Phòng trưng bày Ashiya, đặc biệt là ở Bảo tàng Nghệ thuật Yokosuka tọa lạc tại Kamoi, thành phố Yokosuka, bạn sẽ thấy một con rùa với khuôn mặt giống như con bò, một con thằn lằn có phần nhô ra giống như cánh hoa trên chiếc đuôi dài của nó.
Một trong số chúng giống như ác quỷ với hình dạng của con người nhỏ với đôi cánh dơi rất đáng sợ. Vâng, nhiều người gọi chúng là “ma thú” cũng hợp lý thôi. Bạn sẽ thấy những con vật lai giữa chim và cá, ngựa và ếch, thằn lằn với chuồn chuồn, người với ve sầu, thậm chí là thằn lằn và rết, chim 4 chân và thú bay địa ngục… còn rất nhiều mẫu vật đáng sợ khác đang chờ đợi khách tham quan, nếu yếu tim đề nghị không nên đến với triển lãm của cha đẻ loài “ma thú” Nhật Bản này.
Nghệ sĩ Emoto Hajime tại Bảo tàng Nghệ thuật Yokosuk |
kanaloco.jp |
Những con "ma thú" hay quái vật tưởng tượng không tồn tại trong thực tế của Emoto Hajime (trích Bảo tàng Mẫu vật ảo) |
sow.ggnet.co.jp |
Nói vậy thôi, Emoto Hajime giới thiệu các mẫu vật hư cấu bằng kỹ thuật của riêng mình, chủ yếu để thỏa mãn niềm vui sáng tạo. Các quái thú này có màu nâu, trông giống như da của một sinh vật khô, nhìn kinh dị đấy song tất cả đều được làm bằng giấy màu, do đó chẳng làm hại được ai.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Emoto Hajime nói rằng hồi nhỏ anh rất say mê mô hình Gundam bằng nhựa. Đây là dòng sản phẩm truyền thông khoa học viễn tưởng do Sunrise sản xuất, xoay quanh những người máy khổng lồ (mecha) với tên gọi "Gundam".
Từ thời học trung học cơ sở, Emoto Hajime cảm thấy vui mừng khi lần đầu tiên làm được mô hình Gundam bằng tay. Anh nhận ra rằng 3D khá thú vị. Lần nọ, anh chợt nhớ một vật giống như thằn lằn khô mà thầy anh đã mua về từ Hồng Kông để làm kỷ niệm. Anh nghĩ rằng anh có thể làm được một vật như thế.
Khi trưởng thành, mảnh giấy đầu tiên mà anh sử dụng là tạo ra một con rồng với thân và cánh màu đỏ. Anh đặt nó vào một chiếc hộp, dán nhãn tên mẫu vật rồi cho bạn bè và những người trong quán bar nhìn thấy. Họ rất ngạc nhiên trước sự sáng tạo của Emoto Hajime.
Năm 2000, Emoto Hajime mở cuộc triển lãm cá nhân với những mẫu vật kỳ lạ, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Vào thời điểm đó, không ai tạo ra những con "ma thú" như vậy, thế là người ta tôn anh làm chuyên gia về "huyễn thú" (幻獣, genjū), tức con thú ảo, không có thật.
Sách đã xuất bản của Emoto Hajime: Genju Hyohonbako (Hộp đựng mẫu vật "ma thú"), Genju Hyohon Hakubutsuki (Bảo tàng mẫu vật "ma thú") và Genju Hyohon Saishushi (Bộ sưu tập mẫu vật "ma thú") (từ trái qua) |
amazon.co.jp |
Mỗi năm Emoto Hajime thực hiện khoảng 25 tác phẩm, tính đến nay số lượng tác phẩm là hơn 400. Anh đã từng thực hiện những quyển sách bán khá chạy tại Nhật Bản, đó là quyển Genju Hyohonbako (Hộp đựng mẫu vật "ma thú"), Genju Hyohon Hakubutsuki (Bảo tàng mẫu vật "ma thú") và Genju Hyohon Saishushi (Bộ sưu tập mẫu vật "ma thú")…
Ngoài triển lãm cá nhân, "ma thú" Nhật bản Emoto Hajime còn nhiều triển lãm nhóm khác, cụ thể là tại Trung tâm Nghệ thuật Kyoto (2010), Bảo tàng Nghệ thuật, Kochi (2011), Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử thành phố Toyohashi (2012), Bảo tàng Nghệ thuật Gunma, Tatebayashi (2014), Hội chợ Nghệ thuật Tokyo…
Bình luận (0)