Từ phí báo số dư đến các loại phí giao dịch
Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo kể từ ngày 1.9, phí dịch vụ báo giao dịch tự động qua tin nhắn SMS (SMS banking) được áp dụng với chủ tài khoản là 15.000 đồng/tháng (chưa có thuế giá trị gia tăng - GTGT). Đây là mức phí cũ chỉ áp dụng cho tài khoản nhận từ 30 tin nhắn trở xuống. Riêng với những tài khoản nhận hơn 30 tin nhắn/tháng, Sacombank sẽ thu phí 500 đồng/tin nhắn (chưa có thuế GTGT). Ngoài ra, mức phí Sacombank áp dụng đối với dịch vụ xác thực giao dịch (OTP) qua SMS là 10.000 đồng/tháng cho 1 khách hàng trên 1 số điện thoại (chưa có thuế GTGT). Để tiết kiệm chi phí SMS, Sacombank khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thông báo giao dịch miễn phí trên ứng dụng Sacombank Pay/mBanking.
Tương tự, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo sẽ thay đổi thu phí SMS với những giao dịch có giá trị từ 100.000 đồng trở lên theo biểu phí tăng dần tính theo số lượng tin nhận được. Trước đây, NH này thu theo gói cố định hằng tháng là 12.000 đồng/số tài khoản. Theo cách tính mới, nếu khách hàng nhận từ 31 - 50 tin SMS thì sẽ đóng 30.000 đồng/tháng và cao nhất đến 70.000 đồng/tháng. Riêng các giao dịch có giá trị dưới 100.000 đồng (mức giao dịch tối thiểu) sẽ không nhận thông báo biến động số dư về điện thoại mà nhận trên ứng dụng VPBank NEO.
Tương tự, VietinBank tính phí dựa trên số lượng tin nhắn SMS thực tế phát sinh trong kỳ, thay cho mức cố định hằng tháng. Nếu từ 15 tin SMS trở lên, VietinBank sẽ áp dụng cách tính phí theo số lượng phát sinh thực tế. Ví dụ, khách hàng phát sinh 50 tin SMS trong tháng thì phí dịch vụ 44.000 đồng (đã gồm thuế GTGT). Hay trước đó, Eximbank điều chỉnh mức thu phí SMS banking kể từ ngày 1.4. Ngoài mức thu phí 15.000 đồng/tháng như hiện hành, NH này sẽ thu thêm 55.000 đồng/tháng với khách hàng có từ 50 tin nhắn/tháng trở lên. Một loạt NH khác như SCB, TPBank, ACB… cũng đã điều chỉnh phí tin nhắn biến động số dư tài khoản gần đây.
Thế nhưng, khách hàng hiện tại không phải chỉ trả mỗi phí SMS banking mà còn hàng loạt mức phí khác. Đối với NH số (internet banking) hiện nhiều nhà băng sẽ thu phí một số dịch vụ như phí tra soát, điều chỉnh, hủy lệnh giao dịch; phí chuyển tiền và rút tiền trên tài khoản; phí rút tiền tại ATM. Ngoài ra, nếu khách hàng sử dụng thẻ tín dụng thì sẽ phải trả rất nhiều loại phí, gồm phí thường niên dao động từ 300.000 đồng/năm lên đến 20 triệu đồng/năm tùy loại thẻ của NH; phí chậm thanh toán từ 3 - 4%; phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng cũng dao động 3 - 4%; phí vượt hạn mức tín dụng từ 3 - 5%. Chưa hết, khách hàng làm mất thẻ hay thẻ tín dụng bị hư hỏng cũng phải trả phí cấp lại thẻ. Khi giao dịch thẻ tín dụng ở nước ngoài, khách hàng sẽ phải trả phí chuyển đổi ngoại tệ từ 2 - 5% và nhiều NH cũng thu phí in hóa đơn sao kê từ 50.000 - 100.000 đồng…
Tăng phí để bù lỗ?
Chuyện phí tin nhắn SMS banking tăng vọt từng được các NH công bố vào đầu năm 2022, lên đến 70.000 - 80.000 đồng/tháng. Nhưng trước phản ứng của nhiều người dùng, các nhà mạng và hiệp hội NH đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho đến nay.
Giờ đây, các NH áp dụng chính sách mới mà lý do được cho là để bù lỗ. Ví dụ, thông báo của VPBank nêu rõ: Nếu như từ năm 2021 trở về trước, các NH thường thu phí SMS banking ở các mức dưới 20.000 đồng/tháng/số điện thoại, thì 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong quý 1/2023, do ngày càng phải bù lỗ rất nhiều khi thanh toán các khoản phí SMS banking cho các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, các NH đồng loạt thông báo tăng mức phí này, mức cao nhất phổ biến trong khoảng 70.000 - 80.000 đồng/tháng. Với việc thay đổi lần này, VPBank mong muốn khách hàng chuyển đổi từ quản lý biến động số dư trên SMS banking sang quản lý trên app VPBank NEO miễn phí để giúp tiết kiệm chi phí cho cả khách hàng và NH. Bởi ngay cả khi đã tăng phí thì NH vẫn phải bù lỗ hàng chục tỉ đồng mỗi năm để thanh toán cho các công ty viễn thông.
Riêng đối với các loại phí giao dịch trong nước thì NH càng phải cắt giảm nhiều hơn. Hiện nay, nhiều khách hàng đã thực hiện giao dịch trên NH số, internet banking thì NH cũng sẽ tiết kiệm được chi phí về nhân sự, mặt bằng… Từ đó, cũng có thể đẩy mạnh việc giảm bớt các loại phí đang áp dụng, nhất là đối với thẻ tín dụng để khuyến khích người dân thực hiện thanh toán không tiền mặt.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
SMS banking chỉ là một trong vô số loại phí khác mà nhà băng đang áp dụng. Hầu như khách hàng như lọt vào "ma trận" và không thể nào nhớ được các loại phí nêu trên. Trong khi đó, nhiều nhân viên NH chào mời mở thẻ tín dụng nhưng không hề tư vấn các loại phí phải trả, nên đến khi tổng kết tháng thì khách hàng mới "té ngửa" vì bị trừ tiền.
Hay đối với nhiều doanh nghiệp, mức phí của các nhà băng cũng khiến họ choáng váng. Trong văn bản gửi đến Văn phòng Chính phủ kiến nghị về một số vấn đề và giải pháp tháo gỡ khó khăn vào giữa tháng 6, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết ngoài lãi suất vay USD quá cao, hạn chế cho vay thì các khoản phí của NH ở mức quá cao. Đơn cử, phí chuyển tiền từ nước ngoài về là 0,05%, phí thanh toán L/C 0,1%, phí ký hậu Bill 10 USD, phí xử lý chứng từ 10 USD, phí chấp nhận L/C trả chậm 50 USD… VASEP kiến nghị NH Nhà nước cần có quy định các mức trần về các loại phí để kiểm soát việc NH tăng phí quá cao. Đồng thời VASEP đề nghị các NH thương mại giảm ít nhất 50% các mức phí thu hiện nay cho đến hết năm 2023.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), đối với giao dịch quốc tế, một số loại phí phải theo thông lệ và quy tắc chung của hệ thống NH nước ngoài nên khi giao dịch chúng ta phải chấp nhận. Nhưng nhìn chung, các NH thương mại vẫn cần xem xét lại chung các mức phí để có thể giảm về mức thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giao dịch.
Bình luận (0)