Trong ma men, ma đề thì ma được hiểu theo nghĩa bóng của ma trong ma quỷ để chỉ những kẻ bị một thói quen xấu ám ảnh và sai khiến mà họ không thể từ bỏ. Ở đây, ma là một từ Hán Việt, chữ Hán là [魔] và là một cách rút gọn của hai tiếng ma la [魔羅], phiên âm từ tiếng Sanskrit māra. Đây là một khái niệm Phật giáo mà Từ điển Phật học Hán Việt của Giáo hội Phật giáo VN do Kim Cương Tử chủ biên giảng là: “Phiên âm theo tiếng Phạn là ma-la. Chỉ lũ ác quỷ làm hại nhân mạng, có khả năng cướp đoạt nhân mạng, gây chướng ngại, nhiễu loạn, phá hoại các thiện sự của loài người”. Đi vào tiếng Việt thì ma có nghĩa thông dụng là “sự hiện hình của người đã chết, theo mê tín” (Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học - Vietlex do Hoàng Phê chủ biên, nghĩa 2). Nhưng ngay trong tiếng Hán thì quỷ [鬼] mới có nghĩa là “ma”, chứ ma [魔] thì, như đã nói, lại chủ yếu là một thuật ngữ Phật giáo.
Còn ma trong ma túy [麻醉] thì tuyệt nhiên chẳng có dây mơ rễ má gì với ma trong ma quỷ cả. Hán Việt tân từ điển rất sai khi ghi ma túy bằng chữ ma [魔] bộ quỷ [鬼] thành [魔醉]. Thực ra, trong ma túy thì ma là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [麻], có nghĩa là “tê, tê dại; làm cho tê dại”, như: ma mộc [麻木] là tê liệt; ma dược [麻藥] là thuốc mê/tê; phát ma [發麻] là cảm thấy tê; cục ma [局麻] là (nói về thuốc) gây tê (bộ phận) (local anesthetic); toàn ma [全麻] là (nói về thuốc) gây mê (general anesthetic)... Hình vị ma này có một điệp thức tảo kỳ là mà trong mà mắt, còn tồn tại trong phương ngữ Nam bộ. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng mà là “dùng tà - thuật che mắt người”. Ban tu thư Khai Trí còn đi xa hơn nữa trong Tự điển Việt Nam mà ghi chú rằng mà là “lược âm tiếng magie”. Magie là danh từ tiếng Pháp, có nghĩa là “ma thuật”. Nhưng ngày xưa thì dân VN không nhiều người biết đến tiếng Pháp mà “lược âm tiếng magie”. Bằng chứng là trong Dictionarium Anamitico Latinum (1772 - 1773), Pierre Pigneaux de Béhaine đã ghi nhận mục từ “mà con mắt” rồi. Vả chăng, vị từ mà cũng chẳng có liên quan gì đến ma thuật, tà thuật cả. Nghĩa của nó cũng xuất phát từ nghĩa của chữ ma [麻]. Mà [con] mắt chẳng qua là “làm “tê liệt” thần kinh thị giác”, nghĩa là làm cho con mắt của khách thể chỉ nhìn được hiện tượng theo sự mô tả, sự vẽ vời của mình mà thôi.
Trong tiếng Hán thì ma túy chỉ chung các chất gây tê, gây mê, gây nghiện, kể cả các vật phẩm dùng trong y học nhưng đi vào tiếng Việt thì nó lại chủ yếu dùng để chỉ cái mà tiếng Hoa ngày nay gọi là độc phẩm [毒品] (âm Bắc Kinh: dúpǐn), tức cái mà tiếng Anh gọi là drug, tiếng Pháp là drogue (theo nghĩa xấu).
Bình luận (0)