Mắc bệnh này có thể khiến nguy cơ gây tai nạn giao thông tăng vọt

31/08/2020 00:12 GMT+7

Tai nạn giao thông là vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới , với số người chết không nhỏ!

Tất cả chúng ta đều biết rằng lái xe trong tình trạng say rượu bia, sử dụng điện thoại khi lái xe, và lái xe trong lúc mệt mỏi có thể làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Nhưng bạn có biết rằng có một căn bệnh có thể khiến nguy cơ gây tai nạn giao thông tăng vọt lên gần gấp đôi?
Đó là bệnh tăng động giảm chú ý - thường xảy ra thời thơ ấu (ADHD), theo Best Life.
Nhưng may là, nếu kiểm soát tốt bệnh ở tuổi trưởng thành, có thể giảm nguy cơ.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí tháng 8.2020 về sức khỏe tinh thần của Mỹ - Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry, thì những người mắc bệnh ADHD từ thời thơ ấu - kéo dài đến khi trưởng thành, có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao hơn 1,81 lần so với người không mắc bệnh.
Phát hiện dựa trên một nghiên cứu về các phương pháp điều trị bệnh tăng động giảm chú ý, theo dõi 441 trẻ mắc bệnh và 231 trẻ không mắc bệnh này trong độ tuổi từ 7 đến 25.
Riêng về tỷ lệ đụng xe, kết quả cho thấy, những người mắc bệnh ADHD từ thời thơ ấu, khi trưởng thành, sẽ có nguy cơ đụng xe cao hơn 1,45 lần so với những người không mắc bệnh, theo Best Life.
Ngoài ra, những người mắc bệnh ADHD còn có xu hướng vi phạm luật giao thông nhiều hơn, gồm vi phạm tốc độ, bị giữ bằng lái và các hành vi lái xe rủi ro, tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Arunima Roy, từ Đại học Ottawa (Canada), cho biết.
Tương tự, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics tháng 6.2019 cho thấy, trong một nhóm hơn 14.000 người lái xe ở New Jersey (Mỹ), những người mắc chứng bệnh này có nguy cơ gây tai nạn do uống rượu cao hơn gấp đôi so với những người không mắc bệnh này.
Mắc bệnh này có thể khiến nguy cơ gây tai nạn giao thông tăng vọt lên gần gấp đôi1

Căn bệnh ADHD này có thể khiến người bệnh uống rượu trong khi lái xe nhiều hơn hoặc đưa ra các quyết định bốc đồng có thể gây chết người khi lái xe

Ảnh minh họa: Shutterstock

Tuy nhiên, nghiên cứu của Học viện Tâm thần Trẻ em & Vị thành niên Mỹ, cho thấy những người mắc bệnh từ thuở nhỏ, nhưng khi trưởng thành đã giảm bệnh, thì không có sự khác biệt với người không mắc bệnh.
Nghiên cứu còn cho thấy, ngay cả người mắc bệnh dai dẳng cho đến tuổi trưởng thành, nếu tiếp tục dùng thuốc, cũng giảm nguy cơ gây tai nạn.
Một nghiên cứu trên 2,3 triệu người lớn mắc chứng ADHD được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry, cho kết quả: Nam giới mắc chứng ADHD, nếu dùng thuốc, sẽ giảm 38% nguy cơ gây tai nạn, và với phụ nữ giảm 42%, theo Best Life.

Tại sao lại như vậy?

Có một số suy đoán cho rằng căn bệnh này có thể khiến người bệnh uống rượu trong khi lái xe nhiều hơn hoặc đưa ra các quyết định bốc đồng có thể gây chết người.
Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ), được công bố trên tạp chí Pediatrics, cho thấy những người mắc chứng ADHD, khi mới lái xe, thường lái xe trong tình trạng say xỉn, lơ là việc thắt dây an toàn và chạy quá tốc độ.
Người mắc bệnh có nguy cơ say rượu trong khi lái xe cao hơn 109% so với những người không bệnh và cũng sử dụng ma túy khi lái xe nhiều hơn, theo Health Line.
Riêng trong năm đầu tiên lái xe, tỷ lệ vi phạm cao gấp 3,5 lần so với người không mắc bệnh.
Và trong vòng 4 năm lái xe đầu tiên, tỷ lệ này cao gấp 1,5 lần, theo Health Line.

Bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?

ADHD là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất ở thời thơ ấu, và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Các triệu chứng ADHD ở người lớn có thể bao gồm bốc đồng, bồn chồn và khó tập trung, hay quên, vô tổ chức, khả năng chịu đựng thất vọng thấp, thay đổi tâm trạng thường xuyên, khó đối phó với căng thẳng và dễ nổi nóng, nói nhiều.
Họ sẽ thiếu kiên nhẫn khi xếp hàng chờ đợi hoặc lái xe với tâm trạng thất thường, theo Mayo Clinic.
Điều trị bao gồm thuốc và tư vấn tâm lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.