Mặc bikini bán hàng ở siêu thị điện máy: Tranh cãi việc xử lý

30/04/2016 09:37 GMT+7

Việc công ty cổ phần thế giới số Trần Anh sau khi để các nữ PG mặc bikini đứng bán hàng tại cửa hàng gây ra nhiều tranh cãi về hình thức cũng như việc có xử lý được hay không?

Sau khi những hình ảnh PG mặc bikini đứng đón khách và bán hàng được đăng tải trên các trang mạng xã hội, nhiều người cho rằng cần xử lý nghiêm vì rất phản cảm. Ngay sau đó, Giám đốc Marketing của công ty cổ phần thế giới số Trần Anh đã lên tiếng giải thích những hình ảnh này nằm trong việc sản xuất series video giáo dục giới tính cho các bạn trẻ.
‘Có thể bị xử phạt tới 40 triệu đồng’
Sau khi xem clip và một số hình ảnh được công bố, tôi rất không hiểu là với cách cho nhân viên ăn mặc hở hang, gợi cảm và để giới thiệu và bán hàng cho khách ở khu vực công cộng như thế thì không biết mục đích hướng tới giáo dục giới tính cho các thanh thiếu niên là gì? Hoạt động này đã được xin phép các cơ quan chức năng hay chưa?

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo

Đó là ý kiến của luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) đối với trường hợp của cửa hàng điện máy Trần Anh.
LS Thảo nói: “Sau khi xem clip và một số hình ảnh được công bố, tôi rất không hiểu là với cách cho nhân viên ăn mặc hở hang, gợi cảm và để giới thiệu và bán hàng cho khách ở khu vực công cộng như thế thì không biết mục đích hướng tới giáo dục giới tính cho các thanh thiếu niên là gì? Hoạt động này đã được xin phép các cơ quan chức năng hay chưa?”.
Cũng theo LS Thảo, chưa nói đến việc có giáo dục giới tính được cho các thanh thiếu niên hay không nhưng hành vi này vô cùng phản cảm và lố lăng, không thể chấp nhận được.
“Các doanh nghiệp có quyền thực hiện mọi cách để quảng cáo và bán sản phẩm nhưng phải lưu ý là việc quảng cáo đó và cách thực hiện đó phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không được trái thuần phong mỹ tục”, LS Thảo nhận định.
LS Thảo cũng nêu ý kiến: Căn cứ vào Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo thì đối với hành vi này, các tổ chức hoặc cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Cụ thể, theo Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 thì quảng cáo có nội dung tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em. Cùng với đó, quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ bị xử phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
‘Pháp luật còn nhiều kẽ hở’
Tuy nhiên, LS Lê Việt Hùng (Hãng luật Minh Mẫn, Đoàn LS TP.HCM) thì khẳng định đây không phải là quảng cáo theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật Quảng cáo.
Rất khó để xử lý vì pháp luật chưa định nghĩa rõ ràng
Rất khó để xử lý vì pháp luật chưa định nghĩa rõ ràng Facebook
“Trong trường hợp này, những cô gái mặc bikini là nhân viên bán hàng, tư vấn giới thiệu sản phẩm. Do đó, hành vi này không vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo. Mặt khác, pháp luật hiện tại không điều chỉnh hành vi mặc bikini bán bán hàng nên trường hợp này không vi phạm pháp luật”, LS Hùng nhận định.
Theo LS Hùng, trước đây, các Nghị định 73/2010/NĐ-CP và Nghị định 75/2010/NĐ-CP có quy định xử phạt hành vi mặc bikini phản cảm nơi công cộng. Sau ngày 1.1.2014 thì các nghị định trên đã hết hiệu lực mà các nghị định thay thế đã bãi bỏ quy định trên. Vậy nên, hành vi này không còn bị xem là vi phạm pháp luật.
LS Hùng cũng lưu ý, trong hoạt động nghệ thuật, biểu diễn thì người biểu diễn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Điểm c, Khoản 1, Điều 13 Nghị định này quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi “sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn, trình diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam”. Nhưng thế nào là phản cảm, là vi phạm thuần phong mỹ tục thì pháp luật không định nghĩa.
'Giáo dục giới tính mà mặc bikini!'
PGS.TS tâm lý Trần Thị Thu Mai (Giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM) cho biết rất bất ngờ khi nghe lý giải của công ty này.

“Hồi giờ tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào giáo dục giới tính mà lại mặc bikini. Hơn nữa, đối tượng ở đây là thanh thiếu niên thì lại càng sai. Ở mỗi lứa tuổi, việc giáo dục giới tính phải có trang phục và hình thức phù hợp, nên nói cho PG mặc bikini để quay video giáo dục giới tính là không chấp nhận được”, TS Mai nêu ý kiến.

Cũng theo TS Mai, việc giáo dục giới tính có thể thực hiện bằng nhiều cách như: tổ chức các trò chơi kỹ năng, tạo dựng các tình huống để các em xử lý, thuyết trình hoặc tham gia các lớp tập huấn,….


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.