Đó là tin vui đối với người trồng mắc ca tại Việt Nam trong những ngày đầu năm 2023. Trước đó, ngày 9.11.2022, Công ty CP Damaca Nguyên Phương (H.Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức xuất khẩu chuyến container gồm hơn 2.200 thùng sản phẩm hạt mắc ca sấy, có tổng trọng lượng hơn 6 tấn cho đối tác Nhật Bản là Công ty Olty, để phân phối độc quyền tại thị trường nước này.
Đến ngày 5.12.2022, sản phẩm hạt mắc ca của Việt Nam chính thức được bày bán trên kệ siêu thị tại Nhật Bản.
Thông tin từ Công ty CP Damaca Nguyên Phương, theo báo cáo từ Công ty Olty, sản phẩm hạt mắc ca lên kệ siêu thị tại Nhật Bản đã nhận được phản hồi tốt từ các khách hàng. Hạt mắc ca có giá bán khoảng 700.000 đồng/kg và được nhiều người tiêu dùng đặt mua.
"Ngay sau đơn hàng 6 tấn hạt mắc ca đầu tiên, siêu thị Nhật Bản tiếp tục lên đơn hàng mới và khẳng định sẽ tăng lượng nhập khẩu trong những năm tới. Có phản hồi tốt từ chuyến hàng đầu tiên, chúng tôi tin chắc sản phẩm hạt mắc ca Việt Nam sẽ có chỗ đứng ở thị trường Nhật Bản", đại diện Công ty CP Damaca Nguyên Phương chia sẻ.
Theo ông Otsuka Tokuro, Giám đốc Công ty Olty, ở thị trường Nhật Bản, hạt mắc ca đa phần đã được bóc tách, tẩm gia vị. Một lần tình cờ, ông Otsuka Tokuro được một người đồng nghiệp cùng công ty tặng hộp hạt mắc ca nguyên vỏ xuất xứ từ Việt Nam nên rất bất ngờ.
"Đó là lần đầu tiên tôi thấy hạt mắc ca có vỏ. Khi tôi tách hạt, ăn thử thì cảm nhận được vị giòn, thơm, bùi nên rất ấn tượng", ông Otsuka Tokuro nói. Đây cũng là lý do khiến ông Otsuka Tokuro quyết định nhập khẩu hạt mắc ca từ Việt Nam đưa vào thị trường Nhật Bản.
Ông Huỳnh Ngọc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết hạt mắc ca là sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… nên vấn đề đầu ra không đáng ngại. Đặc biệt, hạt mắc ca của Việt Nam được chế biến theo phương pháp "handmade", giữ được đầy đủ hương vị nguyên bản, tự nhiên của mắc ca mà các quốc gia khác sẽ khó cạnh tranh.
Ông Huy cho rằng, mắc ca được xuất khẩu, tiêu thụ tốt tại Nhật Bản là tín hiệu tích cực đối với người trồng cũng như ngành mắc ca Việt Nam. Ngoài thị trường Nhật Bản, trong tháng 12.2022, một doanh nghiệp cũng mang thử 20 kg hạt mắc ca đi giới thiệu tại triển lãm về nông sản tại Ấn Độ, dự kiến sẽ bán hết trong 4 ngày nhưng chỉ trong nửa ngày đầu tiên đã bán xong toàn bộ sản phẩm mang đi chào hàng.
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2022, cả nước có 29 tỉnh trồng mắc ca, tổng diện tích trên 20.000 ha. Ở khu vực Tây Bắc, năng suất mắc ca trung bình đối với vườn cây trồng từ năm thứ 10 trở lên đạt 3 tấn quả tươi/ha đối với diện tích trồng thuần; khoảng 2,5 tấn quả tươi/ha khi trồng xen canh với cây trồng khác. Ở Tây Nguyên, năng suất mắc ca ở năm thứ 10 trở lên đạt 4 tấn quả tươi/ha nếu trồng thuần và 2,8 tấn quả tươi/ha khi trồng xen canh.
Cả nước có trên 60 cơ sở chế biến hạt mắc ca, chủ yếu là máy móc, thiết bị chế biến, sơ chế đơn giản, như: máy sấy hạ ẩm, máy sấy hạt, kho lạnh, máy hút đóng gói, máy đóng tem mác… Sản phẩm mắc ca Việt Nam chủ yếu là sản phẩm sấy khô và một số sản phẩm sơ chế, chưa có sản phẩm chế biến sâu.
Cũng theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu mắc ca năm 2021 đạt khoảng 60 triệu USD, với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn hạt mắc ca nguyên vỏ. Sản phẩm nhân hạt mắc ca Việt Nam được xuất khẩu tới 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Đức, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bình luận (0)