“Từ ngày lên phim giới trẻ đổ về đông vui quá xá”
Mùng 8 năm nay giải đua thuyền truyền thống trên dòng sông Trường Giang (Bình Sa, Thăng Bình) đông vui hơn hẳn và người dân ở đây hạnh phúc nói “nhờ hiệu ứng của phim Mắt biếc” mà chợ Đo Đo (tên thật là chợ Tây Giang) ngày thường cũng đông vui đến lạ lùng.
|
“Từ ngày lên phim là giới trẻ đổ về đây đông vui quá xá. Ngày nào cũng hết tốp này đến tốp khác kéo nhau về chụp hình rồi quay phim, có nhóm chụp hình từ sáng đến tối. Ngày nào cũng vậy, tự dưng khu chợ quê đìu hiu ngày nào giờ đông vui đến lạ lùng, khiến người dân ở đây ai cũng hạnh phúc cả”, cô Nguyễn Thị Mẫu, người dân ở chợ Đo Đo trong phim Mắt biếc hạnh phúc chia sẻ.
|
Cô Mẫu kể: “Đoàn làm phim về ở với người dân 5 ngày 5 đêm để quay phim, ôi thôi, mấy cháu diễn viên dễ thương lắm, suốt ngày cứ cô Mẫu ơi, cô Mẫu ơi rồi quấn cô như con cháu ở xa mới về vậy. Thương lắm cháu ơi”.
|
Vui nhất là khi cô Mẫu kể chuyện lần đầu cô đóng phim: “Phim quay cảnh xưa nên chọn người dân đóng cũng là những người mà không có sành điệu, tức là không nhuộm tóc, kẻ chân mày…nên cô mới được chọn. Mà vì cảnh quê xưa nên ăn mặc đồ cũ cũ nên nhìn mình vào phim xấu lắm cháu ơi, rồi mấy đứa đó dặn cô là cứ mỗi lần nói ác sình (action) là cô diễn. Cứ đi đi rồi lựa mua đồ rứa thôi cháu ơi, mà vui thôi rồi. Cô nói tiếng Quảng sợ vào phim họ không nghe nhưng mấy cháu đó bảo cô cứ nói tiếng Quảng như thế mới đúng chất quê của Quảng Nam”.
|
Kể rồi cô Mẫu cười ngất ngưỡng, nói tiếp: “Nói vậy thôi chứ mấy cháu đó có bảo cô đừng nói tiếng Quảng chắc cô cũng không làm được. Dân Quảng ăn to nói lớn quen rồi cháu ơi. Mà cháu xem phim chưa, cô chưa được xem nên không biết cô lên hình có quê mùa lắm không. Dân quê đã quê rồi mà vào phim còn đóng cảnh thời xưa ăn mặc cũ kỹ, nhàu nát nữa”.
Khu chợ sầm uất một thời
Cũng giống cô Mẫu, chú Hoàng Tấn An (người dân ở đây) cũng rất vui mừng khi chợ càng ngày càng đông người đến.
|
Chú An hài hước nói: “Quảng Nam này trên bản đồ thế giới chưa chắc đã nhìn thấy, nhưng từ ngày phim Mắt biếc chiếu lên, cái chợ này ai cũng biết đến, như người nổi tiếng vậy đó con, làm người dân ở đây ai cũng được hưởng vui lây vì ngày nào cũng có người đến thăm quan, chụp hình”.
|
Chú An là người dân sống tại đây đã hơn 60 năm, nên chứng kiến được gần như hết những thăng trầm của khu chợ. Ngày đoàn làm phim về, chú An kể đã chỉ cho đoàn phim về những nét đặc trưng đúng chất của chợ quê ngày xưa, đó là phải có người thu thuế, phải uống nước bằng gáo dừa, xách nước từ giếng lên bằng mo cau và gánh nước bằng tỉn (hủ bằng sứ)…
|
|
|
Cũng theo chú An, khu chợ này trước đây giao thương rất tấp nập, do nằm sát mé sông Trường Giang, ngược theo dòng sông đi vào là TP. Tam Kỳ, đi ra là phố cổ Hội An nên giao thương rất thuận tiện. Chính vì thế, chợ Đo Đo được quay vào trong phim Mắt biếc là khu chợ rất sầm uất thời xưa.
Về đây để sống ảo
Chúng tôi về đến chợ Đo Đo đúng ngày mùng 8 tết, ngày mà nơi đây đông vui nhất của một năm vì có lễ hội đua thuyền truyền thống. Nhưng theo như nhiều người dân ở đây, đua thuyền năm nay đông vui hơn mọi năm rất nhiều, mà đa phần là người trẻ.
|
|
Hoàng Thị Mỹ Hạnh, cựu sinh viên Trường ĐH Quảng Nam, dẫn thêm 2 người bạn của mình về xem đua thuyền nhưng mục đích chính là để chụp hình sống ảo với chợ Đo Đo trong phim Mắt biếc.
|
“Từ ngày xem phim Mắt biếc mới biết được là chợ này rất gần với xã của mình, thế là hôm nay sẵn tiện đi xem đua thuyền, quyết tâm đến chợ để xem chợ ngoài đời có đẹp như trong phim không. Nhưng công nhận là đẹp thật, càng nhìn càng thấy đẹp”, Hạnh bày tỏ.
|
Đang cùng nhóm bạn chụp hình tự sướng dưới gốc cây ngay trước mặt chợ, Nguyễn Thị Thùy Dung, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, hớn hở nói: “Đẹp quá đi, đẹp vẻ đẹp mộc mạc và dân dã nên mình thích lắm. Mình về nhà đứa bạn ở gần đây từ mùng 6 tết cũng chỉ vì một lý do duy nhất là để khám phá khu chợ này, vì con bạn mình khoe khu chợ Đo Đo trong phim Mắt biếc đó ở gần nhà nó. Thế là chỉ đợi đến tết được nghỉ là về làm ngay bộ ảnh thôi”.
Bình luận (0)