Mafia thao túng thể thao: Hành trình 'địa ngục' của cầu thủ trẻ châu Phi

14/12/2015 11:14 GMT+7

Các băng đảng tội phạm đã biến ước mơ đổi đời ở trời Âu của các cầu thủ trẻ châu Phi thành “địa ngục” nơi đất khách quê người.

Các băng đảng tội phạm đã biến ước mơ đổi đời ở trời Âu của các cầu thủ trẻ châu Phi thành “địa ngục” nơi đất khách quê người.
Những cầu thủ trẻ Tây Phi phải ngủ dưới sàn sân vận động của CLB Champasak United - Ảnh: BBC
Thiên đường thành địa ngục
Nigeria là quốc gia châu Phi cung cấp cầu thủ trẻ dồi dào cho châu Âu. Thực tế ấy được minh chứng bởi Nigeria đã và đang sản sinh ra những ngôi sao như: Jay Jay Okocha, Sunday Oliseh, Samson Siasia, Celestine Babayaro, Nwankwo Kanu và John Obi Mikel ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang ấy là vô số những số phận tài năng trẻ của Nigeria rơi vào bẫy buôn người của băng đảng tội phạm, trong đó câu chuyện về Matthew Edafe là một điển hình.
Giống như nhiều thanh thiếu niên địa phương, Edafe coi bóng đá chuyên nghiệp là phương tiện kiếm tiền hữu hiệu để thoát nghèo khi bản thân sở hữu những kỹ năng chơi bóng đá. Một ngày nọ, ước mơ của Edafe được manh nha khi một người đàn ông tự xưng là môi giới bóng đá xuất hiện tại làng của anh “mang theo những tài liệu thể hiện nhu cầu nước ngoài cần 30 cầu thủ trẻ và nếu được ký hợp đồng sẽ nhận được mức thu nhập ít nhất từ 10.000 - 20.000 USD/tháng”, Edafe kể lại. Theo Edafe, muốn được lọt vào danh sách, các gia đình cầu thủ phải nộp lệ phí từ 2.200 - 5.000 USD cho chuyến đi đến Tây Ban Nha (TBN). Trước cơ hội thoát nghèo, gia đình các cầu thủ trẻ bán nhà cửa, tài sản cũng như vay mượn để con mình thực hiện ước mơ ở trời Âu.
Cuộc hành trình của Edafe ban đầu đã báo hiệu những điềm xấu khi anh cùng 22 cầu thủ trẻ Nigeria đến Cape Verde sau 4 ngày chỉ để gặp một người da trắng lạ mặt và sau đó bị bỏ rơi tại nhà nghỉ cùng với gái mại dâm và nhiều người khác trong đường dây buôn bán người. Không trận đấu, không thỏa thuận, không tiền... còn người môi giới biến mất, Edafe phải sống trên đường phố, làm tất cả mọi việc để kiếm miếng ăn trong 11 tháng và may mắn khi xin được một công việc trên thuyền để trở lại Nigeria.
Không chỉ Edafe, hàng ngàn cầu thủ trẻ châu Phi khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, trong đó hầu hết những giấc mơ đổi đời của họ đều biến thành “địa ngục” sau những chuyến đi bão táp. Một số may mắn hơn tìm được đường quay về quê hương, số khác kiếm được bản hợp đồng chơi cho các đội bóng nhỏ ở Tunisia, Ai Cập, Morocco... với thu nhập rẻ mạt. “Vấn nạn buôn bán cầu thủ trẻ chủ yếu diễn ra ở Nam Mỹ và châu Phi. Các cầu thủ đang ở trong vali thương mại bất hợp pháp. Họ bị buôn bán như gia súc...”, Roger Blanpain, cựu lãnh đạo của FIFPro (Công đoàn các cầu thủ quốc tế), nhấn mạnh.
Một báo cáo của Culture Foot Solidaire (một tổ chức chống lại sự ngược đãi cầu thủ châu Phi có trụ sở tại Paris, Pháp) mới đây cho biết kể từ năm 2000 đến nay có khoảng hơn 3.000 cầu thủ trẻ (hầu hết dưới 18 tuổi) rời lục địa đen theo những con đường bất hợp pháp đến châu Âu và châu Á để thử vận may. Nhưng cuối cùng, tiền mất tật mang, một số cầu thủ mất tích hoặc trở thành tội phạm.
Phiên bản buôn bán nô lệ ?
Cách đây vài tháng, FIFA và FIFPro đã mở cuộc điều tra về 23 cầu thủ Tây Phi, độ tuổi từ 14 - 15 ký hợp đồng với học viện thuộc CLB Champasak United (Lào). Điều này vi phạm luật FIFA về việc cấm cầu thủ dưới 18 tuổi ký hợp đồng chơi cho CLB nước ngoài. Những cầu thủ này được cho là nạn nhân của đường dây buôn bán cầu thủ trẻ bất hợp pháp. Cuộc điều tra đã “giải thoát” được 17/23 cầu thủ trở về châu Phi, trong khi đội bóng Lào bị cáo buộc có âm mưu kiếm lợi nhuận bằng cách bán các cầu thủ thiếu niên nói trên trong tương lai. Bóng đá thế giới sau đó sửng sốt hơn khi nghe tiết lộ của một cầu thủ 14 tuổi là Kesselly Kamara (người Liberia) trên BBC về hành trình u ám đến Champasak United. Theo đó, Kamara được hứa sẽ ký hợp đồng với Champasak United với mức lương 200 USD/tháng, được bố trí chỗ ăn ở đàng hoàng. Nhưng thực tế, Kamara hầu như không nhận được tiền, chỉ được cung cấp 3 bữa ăn mỗi ngày và phải ngủ cùng 30 cầu thủ khác dưới sàn khán đài sân vận động tối tăm, không cửa sổ... và bị buộc phải ký hợp đồng dài hạn. Phía CLB có trụ sở tại thành phố Pakse phủ nhận cáo buộc. Thế nhưng thực tế cho thấy hành trình của những cầu thủ trẻ Tây Phi đến Lào là phi pháp khi gia đình của các cầu thủ này đang rơi vào cảnh nợ nần do phải vay mượn 550 USD lo chi phí cho con đến CLB Champasak United.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.