Xót xa nhìn mẹ vất vả ngày đêm
Đoàn Nguyễn Nhật Nam (17 tuổi), học sinh lớp 12A1 trường THPT Phước Kiển, huyện Nhà Bè là người chơi đầu tiên trong tập 8 Mái ấm gia đình Việt. Sau khi cha qua đời, Nam sống cùng mẹ, bà nội và em trai trong một căn nhà nhỏ với nền đất trũng, mỗi lần trời mưa là nước tràn vào nhà, có khi dâng cao không còn chỗ ngủ.
Gia đình em Đoàn Nguyễn Nhật Nam xúc động khi xuất hiện tại “Mái ấm gia đình Việt” |
Cha mất, mẹ Nam vừa phải lo kinh tế cho gia đình, vừa gánh trên vai khoản nợ 120 triệu đồng nên làm việc gần như không ngơi nghỉ. Hiện mẹ Nam đang làm giúp việc ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Mỗi ngày, chị đều phải đi xe khách từ Nhà Bè đến nơi làm việc và thu nhập hằng tháng cao lắm chỉ có 6 triệu đồng. Đêm về, chị nhận thêm việc sửa chữa bao tay vải công nghiệp từ 7 - 9 giờ tối tại nhà nhưng thu nhập lại không đáng là bao.
Để lo được tiền học phí cho 2 con và trả nợ, mẹ Nam phải vắt sức làm việc đêm ngày nhưng cuộc sống vẫn vô cùng khó khăn. Nam hiểu tình cảnh của gia đình và rất lo lắng cho mẹ. Cậu học trò 12 năm liền đạt học sinh giỏi, thích môn Toán cho biết em sẽ nỗ lực đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới để không phụ lòng mẹ. Ước mơ tương lai của em là được trở thành kỹ sư dầu khí để giúp đỡ gia đình và hoàn thành tâm nguyện của ba.
Mảnh đời “chật” của hai mẹ con
Mẹ con em Nguyễn Nhật Nam (13 tuổi, Phú Nhuận) cũng là một trong những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn trong chương trình Mái ấm gia đình Việt.
Trước đây, mẹ Nam bán nước ở một quán ăn nhỏ. Dịch bệnh ập đến, quán ăn ngưng kinh doanh nên chị cũng không thể tiếp tục công việc. Sau khi chồng mất, chị phụ bán quán cơm để lo cho Nam ăn học nhưng quán cũng đã đóng cửa. Một lần nữa mất việc, chị Diễm lại phải vất vả tìm công việc mới. Ba tháng trước, chị được giới thiệu làm tạp vụ bán thời gian tại một siêu thị. Do đặc thù công việc nên hầu như mẹ Nam phải làm liên tục cả tháng mà không được nghỉ, thế nhưng lương tháng cũng chỉ được 5,5 triệu đồng.
Em Nguyễn Nhật Nam (thứ 2 bên phải vào) và mẹ (áo xanh) đồng hành cùng nhau tại chương trình |
Ngày ba Nam mất, hai mẹ con phải dời đến 1 căn phòng trọ nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí. Phòng trọ chật hẹp này nằm ở tận lầu 4 của một khu trọ nên đi lại rất bất tiện và vất vả. Toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình, bao gồm khoản học phí bán trú 2 triệu đồng mỗi tháng của Nam giờ đây trông cậy cả vào tiền lương của mẹ. Nhiều tháng không kịp xoay xở, chị phải xin nợ tiền nhà trọ lẫn tiền học phí của Nam. Có tháng túng quá, chị phải nhờ đến sự hỗ trợ của anh chị em ở quê.
Mẹ con Nam hiện đang thiếu một khoản nợ gần 30 triệu đồng, phải đóng tiền lãi mỗi tháng mà không cách nào trả hết số nợ lớn này. Từ ngày thiếu vắng đi tình thương của ba, Nam trưởng thành hơn rất nhiều. Em luôn mong muốn có được một số tiền để mẹ trả được nợ và lo cho em tiếp tục đi học.
Cậu bé mất mẹ và tấm lòng lo nghĩ cho cha
Mới 14 tuổi, cậu bé Nguyễn Tất Đạt (quận 12) đã liên tiếp phải trải qua nỗi đau mất mẹ, mất ông bà vì Covid-19. Trước đây, mẹ Đạt là công nhân xí nghiệp may, đồng thời cũng là lao động chính trong gia đình. Sau khi mẹ qua đời, đồng lương 4,5 triệu mỗi tháng của ba trở thành thu nhập duy nhất của cả nhà.
Trải qua cú sốc mất người thân, căn phòng trọ ấm cúng ngày nào bỗng trở thành nỗi ám ảnh của Đạt. Em sợ phải ở nhà một mình, sợ cảm giác lạnh lẽo khi không còn mẹ bên cạnh nên ba em quyết định dọn xuống ở nhờ nhà trọ của vợ chồng người cháu. Mỗi tháng, 2 cha con không tốn tiền trọ, chỉ phụ giúp khoản ăn uống, điện nước khoảng 1,5 triệu đồng. Mỗi tối, anh trải nệm ra giữa phòng, hai cha con tâm sự vài câu rồi ngủ tạm đến sáng. Hiện tại, hai cha con vẫn còn nợ 27 triệu đồng tiền lo hậu sự cho mẹ.
Em Nguyễn Tấn Đạt và ba - anh Nguyễn Văn Chuối |
Tấn Đạt đang học lớp 9 Trường THCS Phan Bội Châu. Cuối tuần, em hay ra tiệm kính phụ ba những việc lặt vặt. Bình thường đi học, ba cho 20 nghìn đồng để ăn, đôi khi em không lấy vì sợ ba không có tiền. Trong khoảng 1 tháng đầu mẹ mất, ngày nào em cũng lén khóc. Em còn từng muốn bỏ học vì sợ ba tốn tiền. Giờ đây Đạt chỉ mong có được một số tiền lớn để lo cho ba khi bệnh, đồng thời chuẩn bị cho tương lai.
Không chỉ là một trong những đơn vị dẫn đầu trên thị trường sản xuất, kinh doanh tôn mạ tại Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen còn là một trong những đơn vị xây dựng thành công hình ảnh của một thương hiệu gắn kết với cộng đồng. Hơn 21 năm kiên định với triết lý “Trung thực - Cộng đồng - Phát triển”, Tập đoàn Hoa Sen đã và đang khẳng định dấu ấn thương hiệu thông qua nhiều chương trình tài trợ, từ thiện mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc như: Vượt lên chính mình, Trái tim nhân ái, Lục lạc vàng, Tỏa sáng nghị lực Việt, Tôn Hoa Sen - Cùng em đi học, Giải bóng đá Futsal cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cặp lá yêu thương, Hát cho ngày mai, Mái ấm gia đình Việt,…
Bình luận (0)