Mãi mãi một tình yêu

21/12/2019 09:00 GMT+7

Đã nhiều năm rồi tôi rời xa thành phố, xa cái ồn ào, náo nhiệt của đất Sài Gòn. Nay trở lại, đặt chân qua bao con đường, qua bao địa danh, ký ức bỗng ùa về.

Đi ngang khu chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối năm xưa - bây giờ đã không còn chợ nữa. "Năm xưa" là cái năm 1992, khi lần đầu tiên tôi theo ba má từ quê lên, dừng chân tại vùng đất này lập nghiệp bằng nghề bán dưa hấu. Ba má tôi mở vựa dưa hấu ở chợ Cầu Ông Lãnh. Tôi sinh sống tại khu chợ nhưng lại không để tâm tìm hiểu đến vùng đất này, lúc đó tôi chỉ là cô bé hơn 10 tuổi, chỉ biết đi học và ôm dưa bán cho khách phụ ba má. Ngoài ra má còn giao thêm nhiệm vụ là phải thường xuyên để ý dân "đá cá, lăn dưa" (ý là dân giang hồ, trộm cắp) khi ba má bận rộn với việc bán buôn.
Tôi nhớ ở phía đầu đường Nguyễn Thái Học có bến xe đò và xe tải chở hàng nên rất đông đúc, người mua kẻ bán tấp nập với những mớ âm thanh hỗn tạp và huyên náo từ khu chợ: tiếng trả giá của người đi mua hàng, tiếng cãi cọ, giành giật bạn hàng, tiếng xe ba gác máy, tiếng chân người huỳnh huỵch, tiếng la í ới của đám đông đuổi theo tên trộm vặt... Tất cả đều in sâu trong ký ức trẻ thơ.
Tôi nhớ những con người Sài Gòn chính gốc sống ở khu chợ với vẻ mặt bên ngoài bụi bặm, giang hồ nhưng có tấm lòng trượng nghĩa. Điển hình là chú Năm "bốc vác", chú Tám "mặt sẹo". Mỗi lần bốc dỡ xong hàng hóa hoặc lúc chợ vắng, các chú lại đến vựa dưa hấu của nhà tôi, lựa trái bự nhất, co tay lại, đấm mạnh một phát, trái dưa bể đôi, hai chú chia nhau mỗi người một nửa cạp ăn ngon lành. Ban đầu ba má tôi rất sợ, không dám nói năng gì, nhưng khi ăn xong, chú Tám "mặt sẹo" buông một câu: "Ghi sổ! Ăn chục trái rồi tính luôn một lượt!". Có bữa hai chú còn tạt vô vựa dưa tìm tôi, khi thì cho cái củ sắn, khi thì cái bánh bao nóng hổi.
Tôi không quên cái ngày chợ Cầu Ông Lãnh bị cháy, tiền bạc, quần áo, vựa dưa hấu của gia đình tôi biến thành tro than. Gia đình tôi trắng tay! Những chủ vựa, tiểu thương trong khu chợ mặc dù bị thiệt hại nhưng họ vẫn gom góp giúp gia đình tôi vượt qua cơn khốn khó. Đặc biệt là chú Năm "bốc vác", chú Tám "mặt sẹo" đã vét những đồng tiền cuối cùng, kể cả đi vay mượn để giúp gia đình tôi trang trải, gầy dựng lại vựa dưa.
Sau đó vì nhiều lý do, ba má tôi rời chợ Cầu Ông Lãnh, rời mảnh đất Sài Gòn để trở về quê. Tôi ngậm ngùi, luyến nhớ khu chợ, nơi đã gắn bó với tôi suốt một phần tuổi thơ. Ngày chia tay, chú Năm "bốc vác" và chú Tám "mặt sẹo" bỏ lại công việc, giúp đưa gia đình tôi ra bến xe. Chú Năm nhấc bổng tôi lên xe đò còn chú Tám vỗ vai ba tôi dặn: "Không làm ăn được thì trở lên đây với tụi tui, Sài Gòn coi vậy chứ không phụ ai đâu". Xe chạy, tôi còn kịp nhìn thấy nước mắt chú Tám rơi. Tôi không nghĩ người "giang hồ" như chú lại biết khóc!
Chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối đã được di dời đi nơi khác từ lâu. Cây cầu khang trang to đẹp hơn, soi bóng xuống dòng kênh Bến Nghé đã được nạo vét, nước trong xanh, nhưng chợ thì không còn nữa. Tôi đứng bên thành cầu, lại nhớ những đêm mưa, mùi sình non từ kênh cùng hơi đất bốc lên nồng nặc hòa lẫn mùi rác thải, mùi rau củ quả hư hao, có cả mùi mồ hôi người ngai ngái. Tôi vẫn còn nghe tiếng gọi nhau í ới của những người phu bốc vác, tiếng trả giá ồn ào như vừa mới đâu đây. Chú Năm, chú Tám giờ đang ở nơi nào?
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.