Dọc đường đê xã Thăng Long (huyện Kinh Môn, Hải Dương) bạt ngàn bãi dâu xanh mướt đang vào vụ nuôi tằm. Khó có thể tin 300 chiếc máy kéo tơ của người dân thôn Hà Tràng đến nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
|
Làng ươm tơ Hà Tràng vốn có tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Người dân nơi đây vẫn nhớ một vài năm trước, thương lái từ Thái Bình, Nam Hà, Nam Định dồn dập kéo nhau về mua kén, lấy tơ, cả làng đua nhau trồng dâu nuôi tằm. Thậm chí, nhiều đoàn khách nước ngoài từ Lào, Trung Quốc còn về thăm quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm.
Xuống khu bãi thôn Độ Xá, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Mến đang hái lá dâu non cho nong tằm mới nở. Nhìn nương dâu xanh ngút ngàn, chị thở dài: “Nay nuôi tằm chán lắm, chúng tôi bị ép giá vì không kéo được sợi”.
“Năm 2002, Hợp tác xã ươm tơ Hà Tràng được thành lập với số lượng máy kéo lên tới 300 chiếc. Song giờ đây, chính người Hà Tràng muốn thấy một chiếc máy quay tơ cũng không dễ dàng gì ”, ông Phạm Hữu Lạng, Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề cho biết.
Được dẫn đến gia đình anh Dương Hoài Khiến, Hội viên hội làng nghề ươm tơ Hà Tràng, chúng tôi bất ngờ khi thấy những khung sắt của 4 chiếc máy kéo năm nào đã bị biến thành giàn… treo hành. Vừa trở những túm hành còn đang lủng lẳng sau những ngày mưa dầm, chị vợ anh Khiến kể: “Năm 2004, sau khi được công nhận làng nghề, vợ chồng tôi đầu tư 5 chiếc máy kéo sợi với vốn 75 triệu đồng, phải thuê thêm 3 lao động nữa kéo kén ra tơ. Bây giờ không làm, tôi dỡ bỏ, chứ cứ để cũng han gỉ”. Chỉ lên gác bếp xập xệ, đầy mạng nhện, chị cười: “Đây này, chiếc máy kéo đôi gần 20 năm rồi! Máy kéo tơ lỗi thời, sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường, chúng tôi đành chịu”.
Ông Lạng cho hay: “Hiện cả làng có 400 hộ nuôi tằm với diện tích 43 ha dâu. Ban đầu Hợp tác xã khuyến khích người dân đầu tư vốn, mua máy móc làm tơ với số lượng 200 chiếc; đồng thời phối hợp với Công ty dâu tằm Hải Dương phát triển sản xuất. Hai năm trở lại đây, do Tổng công ty dâu tằm phá sản, Hợp tác xã Hà Tràng tự sản, tự tiêu, một số hộ đã bỏ dâu trồng sắn dây, trồng cây hoa màu khác”.
Hàng làm ra không tiêu thụ được do chất lượng mẫu mã kém, không có vốn đầu tư máy móc hiện đại buộc người dân phải bán kén giá rẻ. Trước đây, khi người dân Hà Tràng tự kéo kén, giá kén vào khoảng 100-120 nghìn đồng/kg, tại thời điểm này giá chỉ còn 75.000- 80.000 đồng/kg.
Sống quanh vùng đất bãi, đất bồi, xã Thăng Long gồm 3 thôn Độ Xá, Hà Tràng, Bến Thôn. Hầu hết các hộ đều có từ 2-3 sào dâu nuôi tằm. Bà con thu từ 13-15 kg kén/vòng, trừ chi phí, người dân chỉ thu lãi 300-450 nghìn/vòng. Mỗi năm chạy được từ 7 - 8 vòng.
Hiểu được hoàn cảnh của bà con, hội gồm 4 người: anh Dương Văn Thái, Trần Văn Hùng, Nguyễn Văn Tuyến và Phạm Văn Việt đã tổ chức thu mua kén, đưa sang các tỉnh lân cận tiêu thụ, trong đó có Thái Bình, Hà Nam.
Anh Thái kể: “Người dân Thăng Long không có mối bán kén, chúng tôi đành phải đứng ra thu mua. Mỗi tháng, chúng tôi gom góp chạy khoảng 1-2 tấn. Có thời điểm kén không bán nổi, buộc chúng tôi phải đổi hàng tơ bán lại. Chỉ khổ người nuôi tằm, dâu trồng để đó không biết để làm gì”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đinh, Chủ tịch xã Thăng Long cho biết: “Trước tình hình sản xuất tơ bị ngưng trệ trong vòng 2 năm trở lại đây, xã đã khuyến khích bà con mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, phát triển làng nghề. Song do số vốn cần quá lớn, người dân vẫn còn lưỡng lự”.
Hoàng Hà
>> Câu lạc bộ nuôi tằm
>> Một thanh niên lắp đặt máy điều hòa để... nuôi tằm
>> Về Hội An nuôi tằm, cấy lúa
Bình luận (0)