Phim thuộc thể loại tâm lý, tình cảm, xoay quanh Mai (Phương Anh Đào) - nữ nhân viên mát xa có cuộc đời gian truân và quá khứ bí ẩn. Khi dọn nhà tới một cư xá ở trung tâm TP.HCM, Mai gặp Dương (Tuấn Trần) - một nhạc công đào hoa kém cô 7 tuổi. Bất chấp sự tán tỉnh, tỏ lòng của trai trẻ, Mai vẫn e ngại không dám tiến tới vì mặc cảm và áp lực phải gồng gánh. Và còn nhiều sóng gió chờ đợi hai người trên con đường kiếm tìm hạnh phúc.
Nếu như hai bộ phim đầu tay còn gây nhiều ý kiến trái chiều, Mai chứng tỏ sự “lên tay” trong nghiệp vụ đạo diễn và quyết tâm làm nghệ thuật nghiêm túc của Trấn Thành. Phim được đầu tư hình ảnh chỉn chu và có thông điệp nhân văn, rõ ràng.
Mượn lăng kính tình yêu để nói về định kiến xã hội
Trấn Thành chào sân điện ảnh với hai tác phẩm có chủ đề về gia đình. Tới Mai, anh chọn đề tài tình yêu đôi lứa. Giới chuyên môn từng nhận xét đã qua thời romcom (phim hài tình cảm) còn chỗ đứng trên màn ảnh Việt. Thế nhưng, Trấn Thành vẫn biết cách biến “món cũ” bằng những hương vị tươi mới, đậm chất liệu đời sống.
Quả thật, câu chuyện của Mai không đột phá. Cặp “chị em” bị gia đình và định kiến xã hội ngăn cản, bất chấp đến với nhau rồi nhận ra để xây đắp tổ ấm, chỉ tình yêu hai người là chưa đủ. Những trúc trắc, dang dở tình cảm từa tựa Nhà bà nữ. Những trận cãi vã, mâu thuẫn với gia đình đẩy phim lên cao trào cũng từng được sử dụng trong Bố già.
Có thể thấy, tình yêu trong phim chỉ là sợi dây dẫn tới câu chuyện về gia đình và bức tranh toàn cảnh các mối quan hệ trong xã hội. Ở đây, Mai là tâm điểm của mọi sự ghen ghét chỉ vì cô đẹp.
Điện ảnh trong nước và trên thế giới đã có rất nhiều tác phẩm kinh điển nói về phận hồng nhan: Malèna, Blonde Venus, Bao giờ cho đến tháng mười… Điểm chung của các melodrama là những người phụ nữ phải đối mặt với sự đàn áp, áp lực dư luận, chịu đựng bức bách và hy sinh vì người thân yêu. Đáng buồn ở chỗ, chính phụ nữ mới là người cay độc nhất với phụ nữ.
Ngay từ cú máy dài mở đầu phim, đạo diễn đã giới thiệu về một xã hội thu nhỏ ở khu chung cư Mai chuyển tới, đầy ồn ào, rối ren. Ở đây, Mai chịu nhiều lời đàm tiếu, gièm pha chua cay từ những bà hàng xóm rảnh rỗi. Mai cũng bị đồng nghiệp đố kỵ, công kích, chèn ép vô lý. Trong mắt họ, người phụ nữ đẹp đồng nghĩa với cái gai trong mắt, là nguy hiểm tiềm tàng bất chấp cô “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng" hay có năng lực thế nào. Ngay cả khi gần chạm tay tới hạnh phúc, Mai cũng bị đào bới vết thương mà cô muốn chôn sâu và đánh sập lòng tin còn giữ lại với người đời.
Trấn Thành phát huy thế mạnh đào sâu câu chuyện trong mỗi gia đình. Con người không thể chọn nơi mình sinh ra. Hầu hết bi kịch Mai chịu đựng xuất phát từ đạo hiếu làm con và trách nhiệm của người mẹ, và không còn gì đau đớn hơn khi bị chính người thân bán đứng cầu lợi.
Trong khi với Dương, đó lại là câu chuyện đứa con bị kìm hãm trong sự bao bọc của mẹ. Nhưng liệu người con có thực sự cần mẹ phải hy sinh cả tuổi xuân mà đánh mất hạnh phúc đời mình hay không?
Mai có nhiều phân đoạn lấy đi nước mắt khán giả nhưng vẫn đảm bảo yếu tố phim giải trí tết. Những miếng hài bình dân tiếp tục được Trấn Thành tận dụng, các khúc vui nhộn đan xen làm giãn mạch căng thẳng trong hai tiếng đồng hồ.
Hành trình nhân vật dẫu trắc trở nhưng không bi lụy mà thông điệp tươi sáng, tích cực. Đúng như tên Mai, đại diện cho niềm tin về tương lai, cho “ngày mai trời lại sáng", cho mùa xuân đầy sức sống mới. Ngay cả khi tột cùng phẫn uất, Mai vẫn giữ được phẩm giá mà không biến chất.
Màn lột xác của dàn diễn viên
Mai không phải nhân vật cụ thể mà là tập hợp quan sát của Trấn Thành ở những con người, sự việc xung quanh. Vì vậy, Mai dễ dàng nhận được sự đồng cảm của khán giả khi thấy chính mình trong nhân vật.
Để tìm ra người được “chọn mặt gửi vàng" vai Mai, ê kíp đã tốn nhiều thời gian casting. Phương Anh Đào đáp ứng được vẻ đẹp từng trải, hình tượng vừa gần vừa xa và khả năng biến hóa cảm xúc.
Diễn xuất của Phương Anh Đào đã được công nhận từ lâu, nhưng đây đúng là nhân vật có đủ không gian và chiều sâu cho cô tỏa sáng. Cô hóa thân thành người phụ nữ bị cuộc đời vùi dập nhưng vẫn giữ thái độ lạc quan, mạnh mẽ kiên cường, đôi lúc yếu mềm và luôn khát khao yêu thương.
Hồng Đào mang tới một nhân vật thú vị. Người đàn bà quyền lực, trải đời, thẳng thắn nhưng cũng khó đoán, vừa giống vừa khác biệt hình mẫu “bà mẹ tổng tài" thường thấy trong phim ảnh. Nhân vật của Phương Anh Đào và Hồng Đào, tuy khác biệt tuổi tác, tính cách và tầng lớp nhưng cũng có tương đồng. Họ đều là những người mẹ đơn thân tự lực trong cuộc đời và đặt lợi ích con cái lên hàng đầu nên thấu hiểu nhau.
Dàn diễn viên quen thuộc của Trấn Thành cũng được phát huy khả năng ở một diện mạo mới. Tuấn Trần có bước tiến từ Bố già và Đất rừng phương Nam. Trong vai chàng công tử luôn muốn thoát ra khỏi “vùng an toàn", anh khắc họa tốt những diễn biến tâm lý của nhân vật. Tương tác giữa nam nữ chính tự nhiên, hài hoà, ngọt ngào và duyên dáng.
Uyển Ân thử sức với vai cô nàng tomboy, buộc phải trưởng thành hơn tuổi và tạm hoãn ước mơ theo đuổi nghệ thuật vì hoàn cảnh gia đình. NSND Ngọc Giàu, Khả Như, Quỳnh Lý mang tới những giây phút kịch tính và hài hước.
Bản thân Trấn Thành cũng gây ấn tượng trong vai diễn ông già bê tha, bệ rạc, vì nghiện cờ bạc mà đẩy vợ con vào đường cùng. Tạo hình của anh nhìn thật, bớt vẻ sân khấu hơn thời Bố già.
Quyết tâm làm một phim điện ảnh đúng nghĩa
Vốn bị gắn mác đưa “kịch truyền hình" lên màn ảnh rộng, Trấn Thành nỗ lực cho thấy sự tiến bộ của mình để đưa tác phẩm tới gần chuẩn điện ảnh. Kịch bản thai nghén 2 năm tuy không mới lạ nhưng được xử lý khéo léo, động cơ hành động hợp lý. Hồi 1 hơi lê thê và chưa thực sự bứt phá. Nhưng khi nhân vật bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan, đứng giữa các lựa chọn đòi hỏi sự hy sinh, đạo diễn mang tới những bước ngoặt bất ngờ và tình thế đảo ngược khó đoán.
Các câu chửi thề và những cảnh ồn ào vẫn xuất hiện nhưng được anh tiết chế hơn. Lời thoại phim dày đặc nhưng dung dị, đời thường, đặt đúng cảnh đúng người.
Phim có nhiều góc máy đa dạng: từ theo chân nhân vật tới góc từ cao nhìn xuống, từ dưới nhìn lên, đặc tả… Điều này vừa khiến công chúng dễ đào sâu tâm lý nhân vật, vừa thể hiện quan sát tỉ mỉ và suy nghĩ mở rộng của Trấn Thành và đạo diễn hình ảnh Diệp Thế Vinh. Đơn cử như căn chung cư cũ nhìn trực diện có vẻ xô bồ, chật chội và không an toàn. Nhưng chỉ cần nhìn lên trên trời hoặc hắt máy xuống khoảng sân chung, lại thấy những vệt nắng và vẻ đẹp thơ mộng giữa xóm lao động.
Trấn Thành cũng rất dụng sức cho phần dựng phim. Match cut và nhiều kỹ thuật dựng/chuyển cảnh được áp dụng mượt mà, kỳ công thỏa mãn thị giác và cảm giác hưng phấn nơi người xem. Tuy nhiên, đôi chỗ hơi phô trương và rườm rà. Một số phân đoạn nhỏ cũng lệch nhịp phim.
Lần trở lại này, Trấn Thành đã mượn các nhân vật trong Mai để nói lên góc nhìn và sự thương cảm của anh với phụ nữ nói riêng và người đương thời nói chung. Nếu như Dương với biệt danh “Sâu" thực sự được Mai giúp “phá kén" thì Mai là cánh hồ điệp, tỏa sáng và thắp lên hy vọng từ góc tối.
Bản thân những nhân vật nữ xấu tính trong phim cũng được xây dựng với động cơ phù hợp. Họ bị đè nén trong tình cảnh túng quẫn, bất lực và tư duy nông cạn làm mờ mắt.
Bên cạnh những kẻ thù ghét, cũng có những điểm sáng cho cuộc đời Mai. Đó là chị hàng xóm gốc Bắc (Ngọc Nguyễn) với những phát ngôn chí lý, cô đồng nghiệp nhỏ âm thầm đứng về phía Mai, là tình yêu từ bạn trai, con gái hay chú bảo vệ (NSND Việt Anh) - người luôn chở che cho cô. Trấn Thành cũng cho khán giả giải tỏa khi để Mai có dịp vùng lên, đấu tranh cho tiếng nói của chính mình.
Khi bài hát Sau lời từ khước của Phan Mạnh Quỳnh vang lên, hẳn nhiều người sẽ không kìm nén nước mắt sau hai giờ đồng hành với hành trình nhiều thăng trầm, đong đầy cảm xúc cùng Mai.
Mai do Trấn Thành đạo diễn và đầu tư sản xuất. Bộ phim quy tụ các diễn viên Trấn Thành, Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Hồng Đào, Uyển Ân, NSND Ngọc Giàu, Khả Như, NSND Việt Anh, Quốc Khánh, Lý Hạo Mạnh Quỳnh, Kiều Linh, Ngọc Nga, Ngọc Nguyễn, Anh Đức, Lộ Lộ, Anh Phạm, Sầu Anh Thư, Hoàng Mèo… Mai dự kiến công chiếu vào ngày 10.2.2024 (mùng 1 Tết Giáp Thìn). Thị trường phim Việt chiếu tết còn có sự góp mặt của Trà (Lê Hoàng), Cua lại chị bầu (Nhất Trung) và Sáng đèn (Hoàng Tuấn Cường).
Bình luận (0)