Maika Elan, 8X đời cuối, mở bức thư điện tử của người gửi chưa từng quen. Một phụ nữ tự nhận mình hơn tuổi tay máy nữ, cũng là chị gái của một nhân vật trong bộ ảnh người đồng tính mà cô vừa thực hiện và công bố. Phông chữ đều tăm tắm trên màn hình trắng sáng không ngăn nổi cảm xúc dữ dội qua thư. Người mẹ choáng váng. Người chị vừa giận dữ, vừa muốn che giấu. “Đồng tính là một bệnh hiếm gặp. Không hiểu sao em chị lại có thể đua đòi mà mắc bệnh đó…”, thư viết. Người chị gái cũng tiết lộ đã phải giấu bệnh của em mình trong vài năm rồi. Chị cũng yêu cầu Maika gỡ bỏ ảnh liên quan đến em mình trên mạng xuống.
“Tôi trả lời thư với một loạt đường dẫn tới các trang có nội dung khoa học về đồng tính. Không hiểu sao người chị biết bệnh của em đã mấy năm mà không hề tìm hiểu, để biết rằng đồng tính không phải một bệnh. Đương nhiên, tôi không gỡ bỏ ảnh. Bản thân mỗi nhân vật khi tham gia dự án cũng đã đồng ý bằng văn bản về việc giới thiệu ảnh trước công chúng”, Thanh Hải (tên thật của Maika) nói.
Maika Elan - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Dự án chụp ảnh tình yêu của người đồng tính của cô, dù vất vả, đã chỉ thực sự khó khăn nhất khi nó kết thúc. Ngay khi những bức hình lộ diện, phản ứng khó lường của công luận mới bắt đầu được nhen, được nhân lên. “Chúng tôi phải cùng nhau đối mặt với dư luận, vốn rất e sợ người đồng tính”, Maika nói.
Cái nhìn xã hội học
“Thế mạnh của Maika chính là cách nhìn vấn đề xã hội trước khi bấm máy. Chẳng gì cô cũng tốt nghiệp ngành xã hội học”, một tay máy lâu năm nói. Bằng cái nhìn xã hội học, Maika phát hiện ra nhan đề của người đồng tính để “lái” bộ ảnh mình chụp. Sự không ổn đó đến từ việc truyền thông luôn nhấn tới khía cạnh khác thường và tệ nạn của họ. Các dự án trợ giúp họ trước nay cũng có một vài vướng mắc nhỏ bởi thường được ghép với các bệnh đường tình dục và HIV. Điều này khiến cộng đồng nghĩ nếu có không sợ đồng tính thì cũng sợ môi trường mất an toàn quanh họ.
|
Chính vì thế, Maika chọn cách chụp điều chung nhất - tình yêu - để hóa giải nhận thức sai lầm ấy. Bản thân việc cùng thể hiện tình yêu như thế cũng khiến các cặp đồng giới liên kết với nhau tốt hơn để đỡ cô độc hơn. Có những cặp “nhân thể” công bố tác phẩm để công bố luôn thân thế của mình - một cách “come out” có cộng đồng. Maika kín đáo giúp họ bộc lộ những điểm cộng đồng dễ cảm nhận, chia sẻ qua cách nhìn của bộ ảnh. Cũng vì thế, những phút riêng tư của người đồng tính cô chụp không nhấn vào đam mê ngùn ngụt như “không còn có ngày mai”. Thậm chí, nếu không đọc giới thiệu dự án, một vài bức có thể được hiểu như ảnh chụp những người cùng huyết thống đang tâm sự, đùa vui.
Mở đường cho các tay máy tự do
Như mọi tay máy tự do, Maika phải bươn chải để kiếm sống. Cô chụp những gì có thể bán, trong đó có cả ảnh thời trang cho nhiều tạp chí. Tuy nhiên, ảnh báo chí - một thế mạnh của cô gái từng nhận giải của Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương - lại không giúp gì nhiều cho cô về mặt kinh tế. Ảnh thời trang cũng tốt và thách đố. Tuy nhiên, để “dội” lại đời sống một chính kiến, một ảnh hưởng, người ta vẫn cần những phóng sự, những dự án đề tài xã hội. Và với các tay máy, điều này thật khó. Khó bởi nuôi một dự án như vậy cũng có nghĩa là tước đi thời gian cho những công việc khác.
Tài trợ văn hóa có thể hỗ trợ cho họ điều này. Tuy nhiên, trước khi Maika nhận được tài trợ của Quỹ văn hóa Đan Mạch cho The pink choice, chưa một dự án nhiếp ảnh nào đủ nặng để quỹ gật đầu. Trong suốt thời gian đó, cũng có nhiều người chụp đề tài đồng tính, tuy nhiên họ chỉ có thể có một vài bộ ảnh nhỏ, chứ chưa có cái nhìn đầy đặn như của Maika. Cũng phải bởi, dự án kéo dài vắt qua 2 năm hẳn nhiên sẽ cho cô một cái nhìn sâu hơn và khác hẳn. “Tôi hy vọng The pink choice là một tiền lệ tốt cho các tay máy tự do”, nhiếp ảnh gia Maika nói.
Hiện tại, Maika chưa xác định đề tài cụ thể tiếp theo nhưng cô biết rằng mình sẽ bị cuốn tiếp theo một vấn đề xã hội nào đấy. “Bạn bè vẫn đùa rằng tôi làm gì rồi cũng sẽ không thoát được ngành xã hội học”, Maika nói rồi cười nhẹ nhàng.
Trước khi dự án khác đến, Maika vẫn thường xuyên đi tới, đi lui với những cuộc họp bàn của người đồng tính. Cộng đồng này đã chấp nhận cô như một “quan sát viên” nhiệt huyết, một người giúp họ trong lúc còn nhiều khó khăn. Mới đây cô dự cuộc nói chuyện bàn về quyền được kết hôn của họ. “Tôi hỏi họ, vậy sao không cứ sống bình thường với nhau thế này, cần gì kết hôn. Rồi họ nói, chúng tôi đòi quyền ấy, dù chưa chắc đã kết hôn, nhưng sẽ có thêm lựa chọn. Quan trọng hơn, có quyền đó, để không còn cảnh khổ phải kết hôn với người khác giới để giấu giếm đồng tính nữa”, cô nhớ lại.
Nói cho cùng, mở đường cho người đồng tính, Maika cũng đang tìm cách xóa bỏ những đám cưới giả khiến chính người dị tính cũng đau đớn. Hơn thế nữa, nhiếp ảnh Việt có thêm lý do để dần dần giã từ những bộ ảnh FIAP đèm đẹp mà thiếu phản biện xã hội. Điều này, nhiếp ảnh thế giới đã làm từ lâu.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh. |
Trinh Nguyễn
>> Họa sĩ Trần Minh Tâm: Con đường nào cũng nhiều thử thách>> Lê Lộc - Sáng tạo vì môi trường
>> Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Muốn thay đổi ngành giáo dục nhồi nhét
Bình luận (0)