(iHay) Một lần đặt chân đến đây, bạn sẽ hiểu vì sao Maldives được mệnh danh là thiên đường của hạ giới.
>> Mê hồn trận' ở Maldives
>> Maldives, nơi mùa hè không kết thúc
Thiên đường của hạ giới
Maldives là quốc gia có hình dạng đặc biệt, địa hình chia cắt bởi vô số hòn đảo nhỏ. Ở đây cảnh quan độc đáo, có nhiều resort xinh đẹp và tiện nghi được xây dựng trên những hòn đảo biệt lập cùng dịch vụ hoàn hảo chuyên dành riêng cho giới minh tinh và những tỉ phú siêu giàu đẳng cấp quốc tế.
Nằm trong vùng biển phía nam Ấn Độ, Maldives cách Sri Lanka khoảng 1 giờ bay. Từ trên cao chúng ta có thể thấy đất nước Maldives được hợp thành từ những hòn đảo nhỏ li ti trải dài trên một chiều dọc từ bắc xuống nam khoảng 800 km, từ đông sang tây 130 km. Maldives có 1.192 hòn đảo, nếu tính cả những hòn đảo chìm, những đảo rặng san hô thì số lượng đảo của toàn bộ đất nước là không dưới 2.000.
Sự chia cắt, những hạn chế về độ lớn và độ cao của các hòn đảo không hề bất lợi mà còn tạo nên sự hấp dẫn và khác biệt vô cùng độc đáo. Những kiến trúc sư tài ba đã tạo dựng nên những thiên đường lộng lẫy khi biến những hòn đảo bé nhỏ thành một nơi chốn bình yên tĩnh lặng xinh đẹp. Khi đắm mình trong làn nước mát trong vắt, nằm bên bờ cát trắng mịn dưới bầu trời trong xanh, nhìn hàng dừa xanh ngát đu đưa trong gió, mọi lo toan của cuộc sống hằng ngày đều được xua tan.
Dân số của Maldives khoảng 300.000 người, nhưng hằng năm lượng khách đến đây khá lớn. Năm 2013 Maldives đã đón hơn 1 triệu lượt khách, một con số ấn tượng. Theo các tài liệu ghi chép, cư dân đầu tiên của Maldives là những người Naga và Yakka di cư từ Sri Lanka. Tuy nhiên, thành phần chủng tộc của Maldives có nguồn gốc khá phong phú. Do nằm ở vị trí thuận lợi trên tuyến đường biển chính ở Ấn Độ Dương, Maldives sớm trở thành nơi gặp gỡ của các thương tàu từ châu Phi, Ả Rập, Indonesia... và những người Gujratis từ Ấn Độ, vì vậy người Maldives có nguồn gốc hỗn hợp và một nền văn hóa và lịch sử đa dạng.
Ngôn ngữ chính thức của Maldives là Dhivehi (một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Ấn - Âu và có nhiều liên hệ với tiếng Sinhale cổ của Sri Lanka). Cũng như người láng giềng Sri Lanka, Phật giáo từng là tôn giáo phổ biến ở Maldives, nhưng đến năm 1153, Berber Abu-Al-Bakarat, khi một thương nhân gốc Ả Rập trở thành vua của Maldives, Hồi giáo nhanh chóng trở thành quốc giáo cho đến ngày nay.
Cuộc sống nơi thiên đường
Người Maldives rất hiền hòa và thân thiện, tuy nhiên vì đạo Hồi là quốc giáo của đất nước này, nên khi nhập cảnh bạn cần lưu ý không mang theo các hình tượng tôn giáo khác làm từ các vật liệu có sức bền cao, ví dụ, bạn có thể mang vào các tượng phật bằng gỗ, nhưng các tượng phật bằng đá thì phải gửi ở sân bay, đến ngày về bạn sẽ được nhận lại.
Từ Việt Nam, có thể bay bằng một số hãng hàng không như: Malaysia Airlines, Sri Lanka Airlines, Singapore Airlines. Nhưng thuận tiện nhất là bằng Singapore Airlines vì giờ bay đẹp và thời gian transit ngắn và chất lượng dịch vụ khá tốt.
Thiên nhiên của Maldives không ưu đãi cho các ngành chăn nuôi trồng trọt, chỉ trừ ngành đánh bắt cá là có ưu thế. Nhưng không vì thế mà chất lượng cuộc sống của những người dân cũng như chất lượng dịch vụ du lịch ở đây bị giảm sút.
Trên các hòn đảo có các resort dành cho du khách nghỉ dưỡng, tiện nghi dịch vụ của thế giới hiện đại không thiếu bất cứ một thứ gì. Những buổi ăn buffet với hàng chục loại bánh tráng miệng khác nhau, những loài hoa quả nhiệt đới, cận nhiệt đới, những loại bơ và phô mai hảo hạng, những loại bia rượu nổi tiếng trên thế giới đều có đủ, được phục vụ bởi những con người thân thiện luôn nở nụ cười trên môi. Hầu hết các sản phẩm này đều được nhập từ châu Âu, rau xanh và hoa quả chủ yếu nhập từ Sri Lanka hay Ấn Độ.
Mua một chiếc vé tham quan đảo của người địa phương sinh sống, tàu đưa tôi đến một hòn đảo không lớn lắm, trên đảo có 2.000 dân. Một khung cảnh nhẹ nhàng hiện ra trước mắt tôi: những con đường mòn cát trắng quanh co, những ngôi nhà bé bé xinh xinh có hàng hoa giấy trước cổng nở hoa tím ngắt, một vài cây dừa nặng trĩu quả trong vườn nhà ai đang đung đưa trước gió, bầu trời tháng hai trong xanh.
Gần ngôi thánh đường có vườn cây xum xuê tươi mát, một gia đình đang quây quần dưới tán cây trước hiên nhà, hai người phụ nữ dùng chiếc dao nhỏ xắt các miếng cơm dừa như chúng ta thường dùng để làm mứt. Nằm trên võng, người cha bế đứa con gái nhỏ tầm 9 tháng tuổi, bên cạnh là một bé trai có khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt đen tròn và hàng mi cong vút, chú bé đang cầm một hũ kem ăn ngon lành. Khung cảnh thật thanh bình.
Tôi giơ máy xin chụp một tấm hình cháu bé, người bố nở nụ cười mời tôi cứ tự nhiên, qua vài dòng chuyện phiếm hỏi thăm, anh cho biết mình đã từng sang Lào để mua gỗ về xây khách sạn cho các resort, ở đó anh có những người bạn Lào gốc Việt khá thân. Nghe câu chuyện của chồng và khách rôm rả, chị vợ liền mời tôi thử một miếng dừa tươi, chiếc khăn choàng trên đầu không che hết mái tóc đen óng ả, chiếc mũi thanh tú và đôi mắt sâu thẳm đen huyền. Chị có nét đẹp rất duyên.
Hình ảnh một gia đình quây quần bên nhau trong khung cảnh tuyệt đẹp, nhìn ánh mắt long lanh của đứa trẻ vừa ăn kem ngon lành vừa hỏi tôi từ đâu đến, tôi chợt hiểu rằng thiên đường không chỉ là những tiện nghi của loài người hiện đại, mà nó còn là khoảnh khắc khi những lo toan của đời thường được gạt qua một bên, để lắng lòng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống từ trong những điều bé nhỏ thiêng liêng. Tôi chợt cảm thấy nhớ nhà. Ngoài kia, thiên đường vẫn rực nắng, biển vẫn một màu xanh nhẹ nhàng vỗ vào bờ cát trắng, chắc chắn biển sẽ không thể đẹp khi thiếu các hàng dừa xanh và bờ cát trắng. Thiên đường của người là đây, còn thiên đường của tôi, ngày mai tôi sẽ trở về...
Du ký của Trần Văn Trường
>> Mã Pí Lèng-thiên đường trong mơ
>> Kỳ vĩ động Thiên Đường
>> Khám phá Yangbay - thiên đường du lịch mới của Nha Trang
>> Khám phá 'thiên đường' dâu tây ở Đà Lạt
Bình luận (0)