Mali được Nga cam kết ủng hộ khi LHQ rút lực lượng gìn giữ hòa bình

01/07/2023 09:05 GMT+7

Bộ Ngoại giao Nga ngày 30.6 đã ra tuyên bố sau khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Mali.

Bộ Ngoại giao Nga cho hay Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mali Abdoulaye Diop trong ngày 30.6, theo Hãng tin TASS.

Trong tuyên bố về cuộc điện đàm do Bộ Ngoại giao Nga đưa ra, Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại sự hỗ trợ không ngừng của Moscow dành cho Bamako, bao gồm cả vấn đề liên quan đến việc huấn luyện quân sự nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu của quân đội Mali.

"[Ông] Sergei Lavrov nhắc lại lộ trình của Nga về việc cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Bamako trên cơ sở song phương, bao gồm khắc phục các vấn đề kinh tế xã hội cấp bách, nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang quốc gia, cũng như huấn luyện quân nhân và lực lượng thực thi pháp luật", Bộ Ngoại giao Nga cho hay trong tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Mali ngày 30.6 cũng cho hay Ngoại trưởng Nga Lavrov "tái khẳng định sự ủng hộ hết mình của Nga đối với Mali trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự cũng như hỗ trợ nhân đạo và kinh tế". Bộ Ngoại giao Mali nêu cam kết này của Nga trên mạng xã hội ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Mali, theo AFP.

Nga ra tuyên bố sau khi LHQ rút lực lượng gìn giữ hòa bình ở Mali - Ảnh 1.

Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tuần tra ở Kidal, Mali vào ngày 23.7.2015

Reuters

Hội đồng Bảo an ngày 30.6 đã đồng loạt bỏ phiếu để lập tức bắt đầu kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali, bất chấp lo ngại của các cường quốc phương Tây về sự bất ổn mới ở quốc gia đang gặp khó khăn này. Lực lượng gìn giữ hòa bình Minusma đã tồn tại ở Mali khoảng 10 năm.

Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop đã cam đoan rằng Bamako sẽ thực hiện mọi biện pháp hữu ích để lực lượng gìn giữ hòa bình Minusma rút khỏi Mali một cách có trật tự và an toàn càng sớm càng tốt.

Trước đó, vào ngày 16.6, ông Diop đã làm choáng váng Hội đồng Bảo an khi gọi sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Mali là "thất bại" và kêu gọi chấm dứt sứ mệnh này ngay lập tức.

Minusma có 12 căn cứ ở Mali và được thành lập vào năm 2013 để giúp giải cứu chính quyền và người dân nước này đang bị đe dọa bởi cuộc nổi dậy của các thành phần thánh chiến.

Nghị sĩ Nga nói gì về nguyên nhân nhóm Wagner nổi loạn?

Ông Diop cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với Nga sau cuộc nổi dậy của lực lượng lính đánh thuê tư nhân Nga Wagner.

Chính quyền quân sự Mali đã ủng hộ Moscow và đưa Wagner đến Mali, khẳng định các thành viên của Wagner chỉ làm việc với tư cách là "người hướng dẫn".

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mali với Liên Hiệp Quốc đã đi xuống kể từ khi cuộc đảo chính năm 2020 đã đưa quân đội lên nắm quyền, đồng thời cắt đứt hợp tác quốc phòng với Pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.