Như mọi người đã biết, Guardiola nổi tiếng bằng triết lý, chứ không phải chiến thuật. Đại khái: nếu như quả bóng luôn ở trong chân bạn thì đối phương lấy đâu ra cơ hội ghi bàn? Các đặc điểm nơi một đội bóng do Pep huấn luyện đều là từ triết lý đó mà ra: giữ bóng nhiều, chơi "đập nhả" đều đặn, theo sơ đồ 4-3-3, với 2 tiền vệ "số 8".
Triết lý của Pep không chỉ đòi hỏi đội bóng có nhiều ngôi sao. Đấy còn phải là dạng ngôi sao đồng đều và phù hợp với triết lý riêng của Pep. Lỡ mua ngôi sao mà không phù hợp thì phải bỏ ngay, mua ngôi sao khác, như trường hợp Claudio Bravo (làm thế mà không vi phạm FFP - quy định công bằng tài chính - mới là chuyện lạ). Kế tiếp: phải tập rất nhiều thì cách chơi mới nhuần nhuyễn. Người ta nhấn mạnh tính triết lý trong cách chơi của Man City vì khi đội này chơi bóng, các cầu thủ xử lý tình huống như một sự mặc định, tự động hóa ở mức độ cao nhất.
Man City vô địch Premier League 2018 ngay từ giữa mùa, rồi lại vô địch 2019 bất chấp đối phương đã cạnh tranh đến mức không thể quyết liệt hơn. Đấy là vì tính ổn định cao của một đội chơi theo triết lý. Cũng vì Premier League là cuộc đua đường trường với 38 vòng, tính ổn định trở nên quan trọng.
Được chỗ này, sẽ mất chỗ khác. Đội bóng của Pep không thể linh động chơi theo nhiều cách khác nhau. Mà ở Champions League, nhất là giai đoạn quyết định, các đội mạnh hơn thua nhau chỉ trong đường tơ kẽ tóc.
Chiến thuật trở thành yếu tố quan trọng nhất ở giải đấu này. Phải có chiến thuật riêng cho từng trận khác nhau, phù hợp với đối thủ cụ thể. Có khi còn phải điều chỉnh chiến thuật ngay trong trận đấu. Quanh năm tập chơi "đập nhả" đến mức thuần thục như máy, đâu dễ chuyển sang cách chơi ít giữ bóng trong trận này, hoặc phòng thủ 2 tầng trong trận khác! Man City của Pep chưa bao giờ thành công ở Champions League là vì vậy. Một mặt, Man City quá "lộ". Mặt khác, bản thân họ lại không có khả năng chơi theo chiến thuật phù hợp để khắc chế đối phương.
|
Bây giờ, Pep đang đứng trước hoàn cảnh đặc biệt: toàn bộ vinh nhục của ông dồn cả vào những vòng đấu còn lại ở Champions League. Không thắng được giải năm nay thì chắc chắn tuyệt vọng, khi Man City đã bị UEFA cấm cửa trong 2 mùa bóng sắp tới, vì vi phạm FFP. Cho dù lệnh cấm có thể giảm đi khi kháng án (giảm thôi, chứ khó có chuyện hủy bỏ), thì Man City cũng đã khác nhiều sau mùa hè này. Các ngôi sao sẽ bỏ đi, ngôi sao bên ngoài không đến, không được phép rải tiền chiêu mộ như trước nữa.
Guardiola hẳn phải thấy rõ nhược điểm của mình, và ông sẽ cố khắc phục. Muốn vậy thì phải trả giá. Bỏ hết! Thua luôn các đối thủ yếu ở Premier League cũng được. Cũng chẳng cần quan tâm danh hiệu ở cúp FA hoặc League Cup nữa. Từ nay, Man City sẽ dồn toàn lực vào Champions League. Sẽ dành toàn bộ tâm trí và những điều quan trọng khác trong khâu chuẩn bị vào các trận đấu ở Champions League. Thậm chí, Man City hẳn đang khao khát "trả đũa": UEFA cấm họ 2 mùa. Vậy, ngay mùa bóng tới, UEFA sẽ phải bẽ bàng khi giải Champions League vắng bóng nhà ĐKVĐ, lần đầu tiên trong lịch sử?
Không phải dễ, dĩ nhiên. Nhưng hoàn cảnh đặc biệt hiện nay làm tăng xác suất thành công ở Champions League cho một Man City vốn gần như "không có cửa" như trước đây.
Bình luận (0)