Mạn đàm về án tử hình

29/12/2013 08:45 GMT+7

Tử hình cùng các cách trừng phạt khác trong pháp luật hình sự hướng đến các mục đích báo oán, răn đe, vô hiệu hóa, giúp cải tà quy chính, đền bù thiệt hại, trong đó 2 mục đích báo oán và răn đe thường được quan tâm trước.

Tử hình cùng các cách trừng phạt khác trong pháp luật hình sự hướng đến mục đích báo oán, răn đe, vô hiệu hóa, giúp cải tà quy chính, đền bù thiệt hại, trong đó 2 mục đích báo oán và răn đe thường được quan tâm trước.


Hồ Duy Trúc đứng trước vành móng ngựa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Kể từ vụ án Lê Văn Luyện đến nay, vấn đề án tử hình được nhiều người quan tâm với những quan điểm, những cách nghĩ khác nhau. Đặc biệt sau khi có bản án tử hình Hồ Duy Trúc, đã xuất hiện những ý kiến trái chiều. Vì vậy xin có đôi lời trao đổi mạn đàm về án tử hình nói chung, về các vụ án Lê Văn Luyện, Hồ Duy Trúc nói riêng, góp phần làm rõ thêm bản chất của vấn đề. 

Từ tử hình đến xóa tử hình
Theo các tài liệu, văn bản cổ nhất quy định án tử hình của loài người được ghi nhận là Bộ luật Hammurapi của người Babilon, thuộc triều đại vua Hammurapi (1792 – 1750 trước Công nguyên). Và đất nước có quy định xóa bỏ án tử hình sớm nhất là Venezuela, vào năm 1863.

Như vậy trong suốt khoảng thời gian hơn 3.500 năm lịch sử tư pháp của nhân loại được ghi nhận bằng văn bản, toàn bộ loài người đã duy trì mức án cao nhất là tử hình trong việc lượng hình tội phạm. Đến năm 1863 thì nhân loại bắt đầu suy nghĩ lại. Khởi đầu là Venezuela, đất nước của người đẹp toàn cầu, tuyên bố xóa bỏ án tử hình. Từ đó đến nay, đã có thêm 138 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xóa bỏ án tử hình, chỉ còn lại 54 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ còn giữ lại án tử hình trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ (32 bang), Nhật, Nga, Việt Nam…

Xét về số lượng thì số các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xóa bỏ cao hơn rất nhiều số duy trì án tử hình. Như vậy phải chăng đến một lúc nào đó án tử hình không còn phù hợp với loài người trong tiến trình phát triển nhân loại đi về phía văn minh? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta đi sâu một chút vào bản chất của việc trừng phạt tội phạm, xem xem việc trừng phạt tội phạm nhằm mục đích gì, tại sao phải tử hình tội nhân… Từ đó chúng ta có góc nhìn khái quát hơn vấn đề. 

Tử hình nói riêng cùng các cách trừng phạt khác nói chung trong pháp luật hình sự hướng đến các mục đích báo oán, răn đe, vô hiệu hóa, giúp cải tà quy chính và đền bù thiệt hại, trong đó 2 mục đích báo oán và răn đe thường được quan tâm trước tiên.

Báo oán

Báo oán ở đây là công lý thay mặt nạn nhân báo oán cho tương xứng những gì mà tội phạm gây nên với nạn nhân. Ví dụ một người cố ý giết người khác thì pháp luật sẽ bắt người đó trả giá bằng mạng sống của chính mình, tức là nhận án tử hình. Hoặc một người hành hạ gây đau khổ cho người khác thì sẽ bị phạt tù giam một thời gian nào đó tương xứng với tội ác của người đó… Một số bộ luật hà khắc thời xưa (và cả hiện nay) còn thực thi việc báo oán ghê rợn hơn nữa, thí dụ một người gây mù mắt nạn nhân thì sẽ bị chọc cho mù mắt thay vì ở tù. 

Tính báo oán tồn tại trong bất cứ bộ luật hình sự nào từ xưa tới nay, bất kể đó là bộ luật được đánh giá nhân đạo hay man rợ mà mức cao nhất của nó là tử hình. Báo oán công bằng làm cho cộng đồng thỏa mãn với việc thực thi công lý, cảm thấy tin tưởng hơn với bộ máy cai trị. Và cũng vì lý do như vậy nên khi báo oán không tương xứng thì cộng đồng phẫn nộ. Chẳng hạn với vụ án Lê Văn Luyện, do yếu tố chưa thành niên nên Luyện chỉ bị phạt mức án 18 năm tù. Với mức này, Luyện có thể chỉ ngồi tù tối thiểu 12 năm. Như vậy so với hành vi man rợ giết nhiều mạng người trong đó có cả hành vi cắt cổ cháu bé 18 tháng tuổi thì mức án của Luyện có vẻ không được báo oán tương xứng. Và đó là nguyên nhân khiến cộng đồng tỏ ra ấm ức với kết quả vụ án này, dù biết rằng người xét xử không thể tuyên nặng hơn với Luyện.

Với vụ án Hồ Duy Trúc, khi tòa án tuyên tử hình, tuyệt đại đa số ủng hộ bản án nhưng vẫn có một số ít người cảm giác ngỡ ngàng, thấy rằng mức án có hơi nặng cho phạm nhân. Vì sao lại như vậy?

Thật ra ở đây nếu chúng ta xét về góc độ báo oán thì có phần chưa ngang bằng, vì nạn nhân chỉ bị chặt tay, chưa bị đoạt mạng. Vì vậy một số người có tâm thể mềm yếu có cảm giác tội nghiệp cho phạm nhân. Nhưng lượng hình không chỉ có báo oán mà còn có các mục đích khác trong đó có răn đe.

Răn đe

Răn đe trước hết là răn đe với phạm nhân, sau là răn đe với cộng đồng. Khác với báo oán luôn đòi hỏi sự “ngang bằng”, răn đe có thể “không ngang bằng” mà thay đổi theo hoàn cảnh. Ví dụ trước đây do hoàn cảnh cần đối phó với tác hại của tội phạm kinh tế, chúng ta quy định khá nhiều tội danh trong nhóm này có hình phạt cao nhất là tử hình. Về sau khi nền kinh tế đã đi vào ổn định, không còn quá lo lắng về tác hại của tội phạm kinh tế thì chúng ta giảm bớt mức án tử hình trong nhóm tội phạm này.

Tính răn đe không chỉ thể hiện trong việc xây dựng luật mà cả trong xét xử. Trở lại vụ án Hồ Duy Trúc. Ở đây người xét xử có thể tùy vào hoàn cảnh xã hội để lượng hình. Nếu lúc này xã hội rất bình yên thì Trúc có thể được hưởng án chung thân. Tuy nhiên, do hiện nay nạn cướp quá lộng hành mà hành vi cướp của Trúc quá dã man, làm kinh hoàng cộng đồng, vì thế cộng đồng lo ngại cho an nguy xã hội, nên không chấp nhận một mức án nhẹ hơn tử hình. Đó là lý do vì sao tuyệt đại đa số cộng đồng ủng hộ mức án tử hình Trúc mặc dù phạm nhân không giết người. Như vậy ở đây cộng đồng hoan nghênh bản án không phải vì tính báo oán mà là tính răn đe. Ngược lại, một số người tỏ ra băn khoăn vì họ có tâm thể mềm yếu, chỉ nhìn vào tính báo oán, không nhìn vào tính răn đe.

Vấn đề xóa án tử hình

Phải chăng Việt Nam cùng một số nước quá hà khắc trong việc lượng hình tội phạm nên tiếp tục duy trì án tử hình?

Thật ra nhóm các quốc gia xóa bỏ án tử hình chỉ dựa vào con số thống kê và thấy rằng tội phạm không giảm khi áp dụng án tử hình nên họ chọn hình thức bỏ án tử hình theo suy nghĩ “tử hình không có tác dụng gì thì nên chung thân cho người ta cơ hội sống”. Ngược lại nhóm các quốc gia còn lại vẫn thấy tác dụng răn đe của án tử hình nên không đặt ra việc bỏ hoàn toàn.

Đó là vấn đề răn đe. Còn báo oán thì sao? Có vẻ như bỏ án tử hình thì việc công lý thực thi báo oán không còn được ngang bằng. Thí dụ như vụ án Nguyễn Đức Nghĩa chặt đầu người yêu. Nếu bỏ án tử hình, Nghĩa chỉ bị chung thân thôi thì công lý làm sao thực thi báo oán?

Ở đây có vấn đề tâm lý cộng đồng. Nếu cộng đồng chấp nhận một tội phạm đặc biệt tàn ác chẳng hạn như Trần Trọng Phú chém và đốt người yêu ở Đà Nẵng vừa qua chỉ nhận mức báo oán là chung thân thôi, thì việc bỏ án tử hình là khả thi. Còn nếu cộng đồng đang còn tâm lý đòi hỏi báo oán nhất thiết phải có án tử hình mới tương xứng thì chúng ta không thể bỏ án tử hình. Trong trường hợp này nếu chúng ta cứ ngang nhiên bỏ, tâm lý cộng đồng khi ấy sẽ mất niềm tin vào công lý.

Ngược lại ở các nước bỏ án tử hình, tâm lý cộng đồng đã chấp nhận như vậy. Đó có thể là kết quả của một quá trình thay đổi nhận thức lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai. Còn ở các nước khác trong đó có Việt Nam, tâm lý báo oán nhất thiết phải có án tử hình trong một số trường hợp nên chúng ta chưa thể bỏ án tử hình hoàn toàn.

Như vậy, không đơn giản để các nhà lập pháp muốn duy trì hay muốn bỏ án tử hình mà là quyền quyết định ở toàn xã hội. Và người cầm cân nảy mực cũng không phải muốn là tuyên cho ai án tử hình là tuyên mà cũng phải tùy vào toàn thể cộng đồng của chúng ta.

Trần Đình Thu (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo, đạo diễn sống tại TP.HCM

>> Án tử hình kẻ 'chặt tay cướp xe SH': Tòa xử 'ác'?
>> Tử hình Hồ Duy Trúc và bài học về cách dạy con
>> Thoát án tử sau hai lần bị tuyên tử hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.