Đắp đập chặn tuyến giao thông thủy huyết mạch
Ngày 29.1, ông Trần Quang Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía nam (Cục Đường thủy nội địa, Bộ GTVT), cho biết đơn vị đã có văn bản gửi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long về việc tạm ngừng lưu thông để đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt tại Km 01+070 kênh Nguyễn Tấn Thành (H.Châu Thành, Tiền Giang). Đây là tuyến kênh huyết mạch cho giao thông thủy, nối sông Tiền với 2 tỉnh Tiền Giang, Long An, mỗi ngày có hàng trăm sà lan, tàu thuyền lưu thông vận chuyển hàng hóa.
Việc triển khai đắp các đập tạm trên kênh Nguyễn Tấn Thành nhằm bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân; đồng thời đảm bảo ngăn mặn lấn vào nội đồng, bảo vệ cho khoảng 128.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Theo dự kiến, đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành và các đập thép khác sẽ hợp long trước Tết Nguyên đán 2021, với kinh phí lên đến hàng chục tỉ đồng.
“Trong vài ngày gần đây, độ mặn trên sông Tiền đột ngột tăng cao rất khó lường. Cụ thể, độ mặn đo được vào sáng 28.1 tại TP.Mỹ Tho là 1,73 gr/lít và ở cống Xoài Hột là 1,03 gr/lít, vượt ngưỡng cho phép về nước sinh hoạt. Việc khẩn trương vận động mọi nguồn lực để đắp các đập tạm ngăn mặn là cấp thiết vì chỉ cần độ mặn 2 gr/lít xâm nhập vào nội đồng sẽ gây hậu quả hết sức nặng nề cho hơn 80.000 ha vườn cây ăn trái của tỉnh, mặc dù đắp đập ngăn dòng trên kênh Nguyễn Tấn Thành sẽ gây ảnh hưởng rất lớn về giao thông thủy. Hiện chúng tôi đang tập trung công tác đảm bảo nước ngọt sinh hoạt, bảo vệ vườn cây ăn trái cho dân. Người đứng đầu các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm với Tỉnh ủy nếu để cho người dân xuống giống lúa vụ 3”, ông Trần Văn Dũng cho biết thêm.
Công bố tình trạng báo động thiên tai
Cùng ngày, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết UBND tỉnh này đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 1. Theo ông Lâm, khi UBND tỉnh đã công bố rủi ro thiên tai thì có nghĩa từ đây, sở, ngành và các địa phương phải chủ động “vét hầu bao” ngân sách để phục vụ cho các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để thực hiện ứng phó, khắc phục với “giặc mặn”.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi Long An, cũng cho biết nước mặn trên sông Soài Rạp đang có xu hướng tăng cao, lấn với tốc độ nhanh vào các sông chính chảy trên địa bàn tỉnh và đang lấn vào các kênh, mương nội đồng.
Tại Bến Tre, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo Sở NN-PTNT trước mắt ưu tiên bảo vệ vùng cấp nước, thoát nước cho nhà máy nước của Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre. Cụ thể, chỉ đạo các sở liên quan và UBND H.Châu Thành dùng mọi nguồn lực để khẩn trương đắp 3 đập tạm trên các nhánh của sông Ba Lai chảy qua địa bàn các xã Thành Triệu, Tường Đa và An Hiệp. Đây là các nhánh chính dẫn vào vùng cấp nước thô của Nhà máy nước Bến Tre. “Chúng ta phải bảo vệ an toàn tuyệt đối Nhà máy nước Bến Tre vì nước từ nhà máy này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất nông - công nghiệp và dịch vụ của cư dân, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và TP.Bến Tre”, ông Nguyễn Minh Cảnh nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết địa phương đang sử dụng 150 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của T.Ư cho công tác phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển năm 2021. Đồng thời, Trà Vinh đã dự trù kinh phí ngân sách tỉnh 100 tỉ đồng để triển khai các hoạt động giảm thiểu rủi ro, thiệt hại từ xâm nhập mặn mùa khô năm 2021.
Bình luận (0)