Mặn tấn công 'vương quốc hoa kiểng'

22/12/2019 12:12 GMT+7

Nước mặn lấn sâu vào sông rạch, kênh nội đồng sớm bất ngờ khiến hàng ngàn hộ trồng kiểng và cây ăn trái ở “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn (H.Chợ Lách, Bến Tre) đang phải chạy đôn, chạy đáo tìm nguồn nước thay thế.

Nhà vườn bất an

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Thùy Trang bao đời nay sống ở khu vực cầu Hòa Khánh, xã Vĩnh Thành - trung tâm của “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn. Đợt xâm nhập mặn sớm và kéo dài suốt tuần qua là lần đầu tiên bà Trang nếm trải sau hơn 40 năm trồng mai tết. “Hôm qua, hớp thử ngụm nước sông thấy cứng cứng, tôi liền chạy riết lên xã mượn thiết bị đo độ mặn, mới biết nước đã mặn tới 0,3%0. Độ mặn mà nhích lên 0,5%0 thì coi như “xong” vườn mai hơn 500 gốc trị giá hơn 1 tỉ đồng của gia đình tôi. Hiện lá chân một số chậu mai đã ngã vàng rồi. Nước mặn đáng sợ thiệt”, bà Trang nói.
Nhìn đám mai buồn lá, bà Trang càng hoang mang lo lắng, bởi nghề trồng mai là sinh kế duy nhất của gia đình. Mai chỉ bán tập trung dịp tết, nếu độ mặn trên sông cứ duy trì như thế này thì xem như Tết Canh Tý năm 2020 sẽ “không về” với gia đình bà.
Hơn tuần nay, cứ nghe ở đâu có mô hình hay sản phẩm trữ nước mới là vợ chồng bà Trang tìm tới tham khảo. Chạy xe máy qua tỉnh Vĩnh Long rảo khắp nơi, bà cũng không tìm được giải pháp trữ nước hiệu quả nào. Trong tâm trạng rối bời, khi về qua phà Đình Khao, phát hiện gió chướng lồng lộng thổi trên sông Cổ Chiên bà Trang càng bất an. “Kinh nghiệm cho thấy nếu gió chướng thổi lồng lộng như vậy thì độ mặn sẽ còn tăng thêm, độ mặn sẽ lấn sâu vào kênh nội đồng và kinh tế của hàng chục ngàn hộ dân trồng kiểng tết, cây giống, cây ăn trái tại vùng Cái Mơn như tôi sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian dài”, bà Trang nói.
Cái Mơn đất hẹp người đông, diện tích canh tác cây giống và hoa kiểng khan hiếm. Chính vì vậy, tại nhiều gia đình đã không còn nổi một khoảng trống vài mét vuông để làm cái hồ dã chiến trữ nước ngọt. Ông Nguyễn Văn Vàng, (ngụ xã Phú Sơn, H.Chợ Lách) rầu rĩ nói: “Anh hỏi giải pháp phòng chống xâm nhập mặn với những gia đình không còn thừa được mét vuông đất nào như tôi thì tôi cũng nói luôn là mặc kệ, còn thì ăn, chết hết thì thôi. Bởi tôi có đến xem cái túi trữ 25 m3 nước mà UBND xã giới thiệu, nhưng đất nhà đâu có chỗ mà để cái bao đó. Nói chung, nước mà mặn tiếp tục thì tôi giải tán 300 chậu mai rồi sang năm kiếm cây khác trồng lại”.

Thiệt hại sẽ nghiêm trọng nếu mặn kéo dài

Bà Tư Lệ, chủ trại sản xuất cây giống, hoa kiểng có quy mô khá lớn ở xã Vĩnh Thành, cho biết gia đình chấp nhận chi khoảng 120 triệu đồng để khoan giếng nước, bất chấp các yếu tố may rủi, nhưng kêu cả tuần nay mà không có chủ giàn khoan nào đến vì "không rảnh".
Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phú Sơn, khẳng định giải pháp khoan giếng không được chính quyền địa phương đồng ý vì các kết quả quan trắc môi trường của Sở TN-MT Bến Tre thì địa bàn H.Chợ Lách không có mỏ nước ngầm. “Tôi biết một số trường hợp khoan giếng đã có nước xài được nhưng trữ lượng tại mạch nước ngầm chắc chắn không nhiều. Nhưng cấm khoan giếng cũng không được vì địa phương hiện chưa có giải pháp nào chắc chắn cho nhà vườn an tâm. Nhu cầu nước tưới cho hoa kiểng tết gấp 5 lần so với các loại cây trồng bình thường. Kiểu gì cũng phải tưới ít nhất 2 lần mỗi ngày cho hoa kiểng mới hy vọng bán đúng dịp tết. Nói chung, mặn kéo dài thì thiệt hại sẽ nghiêm trọng lắm”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, độ mặn 2%0 đã lấn sâu vào kênh nội đồng ở xã Phú Sơn nhưng do bà con đã chủ động từ sớm cùng với các giải pháp tại chỗ nên chưa ghi nhận trường hợp nào “lỡ tay” tưới nước mặn cho cây giống, hoa kiểng. Kết quả đo tại các mương vườn cao nhất là 0,3%0, nhưng theo ghi nhận thì một số vườn đã xuất hiện hiện tượng vàng lá chân ở mai và bông nở. Cây hoa kiểng tết mà bị hiện tượng vàng lá, rũ rượi như thế sẽ rất khó phục hồi.
Hiện độ mặn hơn 1%0 đã bao quanh “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn. Phòng NN-PTNT H.Chợ Lách đưa ra 4 kịch bản khi độ mặn tăng dần, tương ứng với đó là 4 giải pháp ứng phó đợt xâm nhập mặn mùa khô năm nay. Hiện độ mặn đo được trên các sông gần bằng cấp độ 3 trong các kịch bản và nếu độ mặn này kéo dài 20 ngày thì lượng cây giống phải thu hẹp số lượng chỉ còn 20%, hoa kiểng chỉ còn 50%… nhưng với điều kiện là người dân phải thực hiện được giải pháp trữ nước, vận chuyển nước từ thượng nguồn kết hợp các giải pháp khoa học kỹ thuật.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, cho hay nước thượng nguồn đổ về các sông Cổ Chiên và Hàm Luông ít hơn các năm trước kéo theo dòng chảy yếu, lượng mưa khan hiếm, nhiệt độ tăng cao… Vì vậy xâm nhập mặn năm nay đến sớm bất ngờ và không loại trừ sẽ kéo dài đến tháng 5.2020. Hạn mặn năm nay có khả năng đặc biệt nghiêm trọng vì hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng tết đang trong giai đoạn xử lý hoa, đó là chưa kể đến 20 triệu cây giống tại các cơ sở sản xuất và hơn 5.000 ha cây ăn trái. Điểm chung của tất cả các loại cây, hoa trên địa bàn huyện là “nhát mặn”, nếu độ mặn trong nước tưới trên 0,5%0 thì ngay lập tức hậu quả rất khó lường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.