Mặn xâm nhập sâu đe dọa nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM

04/05/2010 17:33 GMT+7

Nhiều nhà khoa học cảnh báo, trước tình trạng nước mặn càng ngày càng xâm nhập sâu vào hệ thống sông Đồng Nai như hiện nay, không lâu nữa nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho hàng triệu dân của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ sẽ bị đe dọa.

Qua quan trắc mới đây của cơ quan chức năng Đồng Nai và TP.HCM cho thấy, hiện nước mặn đã xâm nhập vào khu vực sông chảy qua địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nghiêm trọng hơn, tại những khu vực này lại có nhiều nhà máy xử lý nước cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu dân của TP.HCM, Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Lãnh đạo nhà máy nước Thủ Đức (TP.HCM), có nhà máy tiếp nhận nước trên sông Đồng Nai đoạn đi qua thành phố Biên Hòa, cho biết vào những tháng cao điểm mùa khô như hiện nay, những lúc thủy triều lên, nhà máy sử dụng nguồn nước tại vị trí hiện tại rất hạn chế vì tỷ lệ mặn khá cao. Chỉ những lúc triều kiệt, thì mới sử dụng được nguồn nước.

Ngoài ra, tại nhà máy nước Bình An (điểm tiếp nhận nguồn nước tại đoạn sông gần cầu Đồng Nai) cũng đang rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Theo đơn vị này, hiện mỗi ngày nhà máy chỉ bơm nước được khoảng 5 - 6 tiếng vào những lúc triều kiệt, còn lúc nước lớn, mặn lên cao, nhà máy lại phải ngưng hoạt động.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nguyên nhân của tình trạng mặn xâm thực sâu vào đất liền như hiện nay ở sông Đồng Nai một phần do nguồn nước phía thượng nguồn dòng sông bị cạn kiệt, không đủ nước để đẩy nguồn mặn xuống xa phía hạ nguồn.

Người dân sống hai bên bờ lưu vực sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa cho biết, hiện nay hằng ngày ngư dân đã đánh bắt được những loài cá lạ có nguồn gốc từ nước mặn. Trước đây nhiều loài cá có nguồn gốc nước lợ và nước mặn chỉ xuất hiện ở một số vùng sông ở phía hạ nguồn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), tuy nhiên do tình trạng mặn xâm cao, nên những loài cá nước lợ, mặn đã vào sâu phía thượng nguồn dòng sông.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, ngoài hai nguyên nhân chính của tình trạng mặn xâm cao là biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng, tình trạng xây dựng các công trình hồ chứa, đập chứa phía thượng nguồn, còn một nguyên nhân khác khiến nguồn nước sông cạn dần đó là diện tích rừng, các thảm thực vật suy giảm, khiến nguồn nước không được giữ lại.

Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy (Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam) cũng cảnh báo, trước đây lưu vực sông Đồng Nai được xem là vùng dồi dào về nguồn nước, tuy nhiên hiện nay hệ thống sông này đang tiệm cận với ngưỡng hạn chế về nguồn nước.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.