MẤT HẲN BẢN SẮC
Đội bóng của ông Guardiola cứ giữ mãi quả bóng trong chân, chuyền mãi cho đến khi hàng thủ đối phương lộ ra khoảng trống thì họ ghi bàn, thậm chí chỉ đơn giản chuyền… vào khung thành. Đấy là hình ảnh quen thuộc của tiki-taka. Lối chơi này giờ không còn nữa, nhưng đấy chẳng qua là vì HLV Guardiola buộc phải thay đổi những chi tiết lạc hậu trong cách chơi ấy. Chứ "triết lý Pep" thì không bao giờ thay đổi.
Những điểm cốt lõi của tiki-taka thì vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn như cái lợi của việc giữ bóng nhiều là đối phương có ít cơ hội ghi bàn (bóng trong chân bạn thì đối phương ghi bàn kiểu gì?). Hoặc khi bạn cứ kiên nhẫn tấn công thì cơ hội trước sau gì cũng sẽ đến. Sau khi bạn đã ghi bàn, cứ kiên nhẫn tấn công như thế và cơ hội càng dễ đến hơn. Đội bóng của HLV Pep Guardiola thường không giảm nhịp, không quay về cố thủ để bảo toàn kết quả sau khi ghi bàn. Từng có lúc Man.City vô địch giải Ngoại hạng Anh bằng cách thắng 32/38 trận. Có đến 2/3 trong số trận thắng, họ ghi 3 bàn trở lên. Trong gần nửa số trận Man.City ghi bàn sau phút 80. Khó mà nhớ hết đã bao nhiêu lần Man.City tiếp tục ghi bàn sau khi dẫn trước 3 bàn trở lên.
Giờ thì ngược lại. Man.City liên tục mất điểm vào giờ chót trước Chelsea, Liverpool, Tottenham, Crystal Palace. Đấy là 4 trong 6 trận gần đây của nhà ĐKVĐ tại giải Ngoại hạng Anh. Chelsea gỡ hòa 4-4 ở phút 90+5. Liverpool gỡ 1-1 ở phút 80. Tottenham gỡ 3-3 ở phút 90. Crystal Palace gỡ 2-2 ở phút 90+5. Ở 3 trong 4 trận ấy, Man.City đá trên sân nhà. Riêng trong trận gần đây nhất, Man.City chỉ phải tiếp một Crystal Palace đã suy yếu hẳn về lực lượng, lại dễ dàng dẫn trước đến 2 bàn!
SUY YẾU KHẢ NĂNG PHÒNG THỦ
Tỏ ra là người không tin vào chuyện may rủi, HLV Pep Guardiola trách các cầu thủ của mình "không cẩn thận". Ông nói sau trận: "Đây là chuyện xứng đáng hay không xứng đáng, chứ không phải chuyện may rủi. Bạn phải kiên nhẫn, biết cách giữ bóng an toàn. Đá như thế này, chúng tôi quả không xứng đáng chiến thắng". Cay đắng ở chỗ: ngay trong pha tấn công "xem được" đầu tiên (theo bình luận của HLV Pep Guardiola) thì Crystal Palace ghi bàn, rồi đến phút chót thì Man.City chịu phạt đền, và Crystal Palace có bàn gỡ thứ 2. Trong mọi hoàn cảnh, bị bắt phạt đền nghĩa là chính bạn đã không cẩn thận và xứng đáng bị phạt.
Có ý kiến cho rằng việc tạm quay lưng với giải Ngoại hạng Anh để sang Trung Đông tranh cúp vô địch thế giới tầm CLB là có lợi cho Man.City. Một đội mạnh đang "gặp vấn đề" thường sẽ trở lại mạnh mẽ nếu được "ngắt nhịp" với giải đấu của họ trong một khoảng thời gian ngắn. Tất nhiên, đấy chỉ là một quan điểm.
Man.City có thể đã bị đội đầu bảng dẫn đến 12 điểm khi trở lại. Dù có trở lại với cúp thế giới trong tay để củng cố tinh thần, thì việc bị rất nhiều đội bỏ xa thật sự là áp lực lớn. Chưa kể, Man.City sang Trung Đông tranh cúp thế giới thì đấy cũng là một cuộc "hành xác", chứ không phải đi tập huấn để rà soát các vấn đề chuyên môn. Lịch thi đấu dày đặc đang chờ Man.City từ nay cho đến hết năm.
Về mặt chuyên môn, vấn đề của Man.City không phải là sự bất cẩn (dĩ nhiên, chẳng ai lại nói huỵch toẹt vì sao đội mình hay mất điểm vào giờ chót - luôn nói ngược, nói sai là đằng khác). Thống kê cho thấy Man.City vẫn là đội thủng lưới ít nhất, chịu đựng số lần đối phương tung cú dứt điểm ít nhất, từ những pha mất bóng giúp đối phương chuyển đổi trạng thái. Trong số những đội ghi bàn từ tình huống chuyển đổi trạng thái nhiều nhất ở Ngoại hạng Anh mùa này, chỉ có Liverpool nằm ở tốp 10. Nhưng Tottenham, Crystal Palace, Chelsea đều đã trừng phạt, làm Man.City mất điểm. Chưa bao giờ Man.City của HLV Pep Guardiola phòng thủ yếu như mùa này.
Bình luận (0)