Nói về lễ hội "Vì hòa bình" ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tin tưởng rằng đó sẽ là một lễ hội đặc biệt, riêng có của Quảng Trị, sẽ là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Sự kỳ vọng của ông Hưng là có cơ sở bởi đây là lễ hội được "thai nghén" từ năm 2019. Đến giữa năm 2020, Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng đề án tổ chức lễ hội "Vì hòa bình" nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng cho quê hương, đất nước và nhân loại. Những ngày cuối tháng 11.2023 này, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình gửi Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về kế hoạch tổ chức lễ hội "Vì hòa bình lần thứ nhất - 2024" và đã được đồng ý về mặt chủ trương.
Năm 2022 và 2023, Quảng Trị đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác biểu tượng Ước nguyện hòa bình.
T.L
Với kỳ vọng lễ hội sẽ "Mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị" tô đậm chủ đề "Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình", nhiều người cho rằng không nhiều nơi phù hợp để tổ chức lễ hội này như Quảng Trị. Bởi đây là vùng đất từng trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, chịu nhiều hy sinh mất mát nên hòa bình lúc nào cũng là khát vọng cháy bỏng, là mong muốn chung của mọi người dân.
Không chỉ chính quyền và người dân Quảng Trị mới tỏ ra háo hức với lễ hội "Vì hòa bình" mà còn có rất nhiều người nước ngoài yêu hòa bình, thậm chí là những người từng ở bên kia chiến tuyến cũng tỏ ra hết sức phấn khích.
Ví như ông Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ đã có hơn 25 năm thực hiện sứ mệnh hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam hẳn sẽ cảm thấy sung sướng. Bởi mới tháng 10 vừa qua, ông đã dẫn đầu một đoàn cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VPF) đến thăm Quảng Trị để tìm hiểu thực tế nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả chiến tranh tốt hơn và được Chủ tịch tỉnh Võ Văn Hưng tiếp đón. Xa hơn, hồi tháng 7.2022, tôi chứng kiến ông ôm lấy những cựu chiến binh Việt Nam ngay trên cầu Hiền Lương lịch sử như những người bạn vong niên.
Còn với bà Jerilyn Cheney Brusseau, đồng sáng lập tổ chức Cây hòa bình Việt Nam (PTVN - cũng là một tổ chức hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh), trong một lần ghé thăm Khe Sanh (H.Hướng Hóa) hồi tháng 9 vừa qua, cũng cho rằng sẽ rất tuyệt vời khi tôn vinh hòa bình cùng nhau. Với tư cách cá nhân, bà Jerilyn đánh giá việc tổ chức lễ hội "Vì hòa bình" là "một ý tưởng cực kỳ giá trị, rất tuyệt vời khi chúng ta có thể đến với nhau trong hòa bình". Từ đó, Jerilyn thậm chí còn háo hức với ý tưởng sẽ kêu gọi sự đồng hành của các công ty Mỹ tham gia, ủng hộ cho lễ hội.
Theo kế hoạch mà tỉnh Quảng Trị đang bàn thảo thì phiên khai mạc dự kiến sẽ diễn ra vào đêm 6.7.2024 tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Đó sẽ là một chương trình nghệ thuật chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam mà trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị, nơi đang lưu giữ những chứng tích của một thời hào hùng oanh liệt, và ngày nay mang tầm vóc thời đại kết nối tình ái hữu quốc tế với trầm tích lịch sử - con người thân thiện - văn hóa riêng có.
Trước lễ khai mạc dự kiến 1 ngày sẽ có chương trình Ngày hội đạp xe vì hòa bình. Cùng với đó là hàng loạt chương trình giao lưu quảng bá văn hóa, du lịch gồm: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề "Tiếng hát Hòa bình" do Đài PT-TH Quảng Trị tổ chức tại Công viên Fidel dự kiến diễn ra vào ngày 8.7; Lễ hội văn hóa - ẩm thực "Tatste of sunland'' với khoảng 100 gian hàng dự kiến được tổ chức vào ngày 9 - 10.7 tại Khu du lịch Cửa Việt; Lễ cầu siêu, thả hoa đăng, thắp nến tri ân dự kiến diễn ra ngày 26.7 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Cũng theo kế hoạch này sẽ có hàng loạt công trình được khánh thành, xây dựng, sửa chữa phục vụ lễ hội…
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từng nói rằng các hoạt động lễ hội đa dạng, đa sắc thái đều phải gắn với ý nghĩa vì hòa bình, từ đó hình thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các kỳ tổ chức lễ hội tiếp theo. Cũng theo ông Nam, một mục tiêu khác mà lễ hội khi tổ chức cần đạt đến chính là thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương gắn với các hoạt động lưu trú. Làm sao để tạo hiệu quả rõ rệt, nhận được nhiều sự quan tâm để làm tiền đề cho việc tổ chức các kỳ lễ hội sau ngày càng quy mô hơn.
Với số lượng sự kiện liên quan đến lễ hội "Vì hòa bình" đồ sộ như trên, rõ ràng, Quảng Trị cần phải có những chuẩn bị ngay từ bây giờ. Trong đó, từ tháng 8 đến 12.2023, tỉnh tập trung công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho lễ hội; Triển khai làm việc với các bộ, ngành trung ương đề nghị phối hợp hỗ trợ, tổ chức các hoạt động; làm việc với các đơn vị tài trợ; Khảo sát, xây dựng, sửa chữa các hạng mục, công trình phục vụ cho hoạt động lễ hội; kêu gọi, lựa chọn các nhà tư vấn, các đạo diễn để xây dựng kịch bản…
Lễ hội Vì Hòa bình là một lễ hội mở. Chính vì thế, lễ hội chỉ có phiên khai mạc chứ không có bế mạc vì khát vọng hòa bình của nhân loại sẽ không bao giờ khép cửa.
Tháng 7.2022, Báo Thanh Niên đã phối hợp với tỉnh Quảng Trị thực hiện chương trình “Khát vọng hòa bình".
Bình luận (0)