Mang giày cao gót khi lái xe dễ đạp trượt phanh

09/07/2019 19:49 GMT+7

Giáo viên tại các trung tâm đào tạo lái xe cho biết khi dạy học viên nữ, giáo viên luôn nhắc nhở người học không được mang giày cao gót khi lái xe. Sở dĩ như vậy là vì cấu tạo của giày cao gót khiến nữ tài xế dễ đạp trượt phanh.

Theo nhiều nhân chứng tại hiện trường vụ nữ tài xế lái Mercedes tông hàng loạt xe máy tại quận 5, TP.HCM, lúc gây ra tai nạn người phụ nữ không hề có dấu hiệu say xỉn, tuy nhiên nữ tài xế này có mang giày cao gót. Theo các giáo viên tại trung tâm đào tạo lái xe, người lái xe nhiều năm, thì phụ nữ mang giày cao gót khi lái xe rất nguy hiểm.

Dễ bị kẹt chân ga

Ông Nguyễn Quang Trưởng, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương III, cho biết: “Trong thời gian đào tạo, chúng tôi không cho học viên mang giày cao gót mà phải đi giày bata. Sở dĩ như vậy vì cấu tạo của giày cao gót tạo nên một khoảng trống giữa bàn chân với các bàn đạp, khiến nữ tài xế mất đi cảm nhận về không gian, hệ quả là dễ đạp trượt phanh. Đi giày đế bằng người lái có thể dùng cả bàn chân để đạp mới đủ lực trong những trường hợp cần phanh khẩn cấp, trong khi người đi giày cao gót chỉ có thể sử dụng đầu ngón chân để đạp. Ngoài ra, giày cao gót còn rất vướng víu khi cần luân chuyển giữa chân ga và chân phanh, khiến phản xạ bị giảm đi so với bình thường”.
Ông Trưởng chia sẻ thêm, do gót cao và nhọn nên cũng dễ bị mắc ở thảm xe hoặc kẹt ở chân ga. “Thường các bạn nữ rơi vào tình huống giày kẹt vào chân ga sẽ rất hoảng sợ, người cứng lại, không thể xử lý mà đành để xe lao đi, khi gặp chướng ngại vật xe sẽ tự dừng. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Một số vụ tài xế nữ gây tai nạn gần đây cũng có nguyên nhân từ giày cao gót”, ông Trường nhận định.
Ông Nguyễn Phương Dũng, người có nhiều năm dạy lái xe tại một trường CĐ tại Đồng Nai, cũng cho rằng: “Nếu kỹ năng còn yếu, mới tham gia lái xe thì các nữ tài xế tuyệt đối không được mang giày cao gót để trong quá trình lái có thể xử lý được chính xác mọi tình huống. Trong trường hợp cần làm đẹp thì các bạn có thể mang theo giày cao gót để đi sau khi xuống xe”.

Chú trọng lấy bằng chứ không trải nghiệm

Ông Nguyễn Phương Dũng kể lại: “Có một học viên nữ khi đi học thì học xe côn số nhưng sau khi có bằng được 5-6 tháng, bạn ấy mua xe tự động mà không được ai hướng dẫn kỹ năng sử dụng. Khi bạn này chạy, xe bị giật mạnh mỗi lần dừng. Thì ra là bạn ấy dùng chân trái để đạp phanh, do thói quen khi học xe côn vẫn dùng chân trái. Do đó khi có tình huống cần phanh gấp, bạn ấy dễ bị lẫn lộn và nguy cơ đạp nhầm chân ga không phải là không có. Rất nhiều bạn đi học lái xe với mong muốn nhanh có bằng để được lái, mà không hề biết rằng có bằng, biết lái chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là phải trải nghiệm thật nhiều để có thể đủ kỹ năng xử lý tình huống, tránh gây nguy hiểm cho bản thân và người khác”.
Theo ông Dũng, trong 3 tháng học lái xe, học viên chỉ được thực hành khoảng 100 km, còn lại là thực hành ở bãi với bài tủ là đi theo hình vẽ, nhiều nơi còn dạy thiếu giờ. “Học viên luyện bài theo hình vẽ trên sân để thi đậu, và cho rằng như vậy là đủ để ngồi trước vô lăng. Trong khi trên thực tế, chạy ngoài đường có hàng trăm tình huống éo le cần xử lý, nhưng học viên trong quá trình học chưa được trải nghiệm đủ, thì không cách nào xử lý được, nhất là tài xế nữ có điểm yếu là dễ mất bình tĩnh, dễ hoảng sợ, tay yếu và càng nguy hiểm hơn nếu chân lại mang giày cao gót”, ông Dũng lo ngại.
Ông Nguyễn Quang Trưởng nhìn nhận thời gian thực hành theo quy định cho bằng B1 hiện nay là 68 giờ, B2 là 84 giờ, dài hơn so với một số nước. “Tôi nghĩ giáo viên cần dạy nghiêm túc, người học cần học nghiêm túc, tuân thủ chương trình học thì sẽ hạn chế được rất nhiều những tài xế ẩu sau này. Hơn nữa, theo thống kê thì tỷ lệ nữ tài xế gây tai nạn giao thông luôn ít hơn đàn ông, chúng ta không nên hiểu sai lệch là chỉ phụ nữ mới dễ gây tai nạn. Cả đàn ông hay phụ nữ đều phải cẩn thận khi lái xe”, ông Trường cho biết.
Chị Trần Quyên, đang làm việc tại Trường Quản lý khách sạn SHP, có kinh nghiệm 18 năm lái xe, nhìn nhận: “Những trường hợp nữ tài xế lái xe gây tai nạn theo tôi đa số là 'bằng thật nhưng học giả'. Nếu học nghiêm túc, tới nơi tới chốn thì kỹ năng sẽ rất ổn, hiếm khi để xảy ra tình trạng đạp nhầm ga, kể cả có đi giày cao gót. Hơn nữa, muốn an toàn khi lái xe thì khi đi phải tập trung, quan sát kỹ, thao tác đúng luật…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.