Tham dự diễn đàn có 233 đại biểu, độ tuổi không quá 35, có quốc tịch Việt Nam (hoặc gốc Việt Nam), trong đó có 106 đại biểu là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở 23 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo ban tổ chức, trong các đại biểu tham dự diễn đàn, nhiều người đã tham gia diễn đàn lần thứ nhất và đã kết nối để đưa ra những sáng kiến “xuyên biên giới” mang lại lợi ích cho quốc gia. Đặc biệt, tham dự diễn đàn năm nay có nhiều người trẻ từng đi năm châu bốn bể, muốn mang kinh nghiệm của mình về xây dựng đất nước.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, PGS-TS Trần Xuân Bách, Tổng thư ký Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019, cho biết Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã bước đầu trả lời được câu hỏi du học sinh về nước hay ở lại nước ngoài, khi tạo ra kênh kết nối để họ lúc nào cũng có thể đóng góp, tương tác với các nhà nghiên cứu, đơn vị khoa học trong nước.
“Đặc trưng Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tương đối khác biệt với các hội thảo, diễn đàn khoa học khác. Diễn đàn không dừng lại ở khía cạnh chuyên môn, mà có sự định hướng, lan tỏa tinh thần thanh niên, sự kết nối cộng hưởng của rất nhiều nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trẻ”, anh Bách nói.
Theo anh Bách, diễn đàn lần thứ nhất đã nhận được sự quan tâm của lực lượng học viên, du học sinh là người Việt Nam, trí thức là Việt kiều rất nhiều nước. Thông qua diễn đàn, các bạn đã mở rộng mạng lưới quốc gia ở châu Âu, Mỹ, châu Á và những vùng trọng điểm của khoa học công nghệ... Từ đó, liên lạc kết nối xây dựng chương trình đào tạo, chương trình hội thảo, chương trình học bổng. Có những người được mời tham gia cộng tác ở các trường ĐH.
Có thể kể đến nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lưu Vĩnh Toàn (Thụy Sĩ) và tiến sĩ Phạm Xuân Lâm, Trưởng bộ môn công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đã phát triển ứng dụng VietSearch nhằm khai thác tri thức và chia sẻ thông tin cho mạng lưới chuyên gia người Việt quốc tế, sáng kiến này đã đạt giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2019; tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (Singapore) đem đến các kinh nghiệm và phương pháp khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong điều kiện của Việt Nam. Hoặc tiến sĩ Nguyễn Tuệ Anh (ĐH Oxford, Vương quốc Anh) đã phát triển chương trình đào tạo, hội thảo quốc gia về kinh tế, mang về Việt Nam những chuyên gia hàng đầu trong thời gian vừa qua.
“Có thể nói, thành quả Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tạo ra sự kết nối về chiều ngang giữa các trường ĐH, các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế. Với diễn đàn này, chúng ta từng bước làm giảm nguy cơ “chảy máu chất xám”, gom góp và nuôi dưỡng trí tuệ Việt ở mọi nơi, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước”, anh Bách kỳ vọng.
Bình luận (0)