Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội chiều 9.11, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 1, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM thông tin về tiến độ tuyến metro số 1.
Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 12, sẽ tập trung thi công phần còn lại của 3 gói thầu chính và đánh giá an toàn hệ thống. Đầu năm 2024, chủ đầu tư nghiệm thu các hạng mục xây dựng, thanh toán hạng mục hoàn thành và tiếp tục công tác đánh giá an toàn hệ thống.
Đến tháng 4.2024, hoàn thành lắp đặt hệ thống cơ điện, kiểm tra khắc phục khiếm khuyết, hiệu chỉnh máy móc sau đó tiếp tục lắp đặt hệ thống cơ điện, hệ thống công nghệ thông tin.
Vào tháng 6.2024, hoàn thành đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu hoàn thành dự án và khai thác toàn tuyến metro số 1 vào tháng 7.2024.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng từ vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.
Những dự án khác khi nào triển khai?
Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước hơn 25 tỉ USD.
Ngoài tuyến metro số 1 sắp hoàn thành thì tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ khởi công vào năm 2024, dự kiến hoàn thành vào năm 2032. Dự án này dài hơn 11 km, bao gồm 1 nhà ga trên cao, 9 nhà ga ngầm và 1 depot, tổng mức đầu tư gần 47.900 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bằng vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và vốn đối ứng từ ngân sách.
Đến nay, dự án vẫn đang thực hiện giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) dài 8,9 km, có tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỉ USD từ vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, chính phủ Tây Ban Nha và vốn đối ứng từ ngân sách. Dự án vẫn đang thực hiện các thủ tục trình chủ trương đầu tư.
Tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) dài khoảng 19,6 km cũng dự kiến đầu tư từ nguồn vốn ODA vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án đang thực hiện các thủ tục xin chấp thuận đề xuất dự án.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm) dài 5,8 km đi ngầm toàn tuyến có tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỉ USD, nguồn vốn ODA dự kiến từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Cơ quan chức năng đang lập văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi.
Một dự án khác nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước là tuyến metro số 2 giai đoạn 3 (Bến xe An Sương - Khu Tây Bắc Củ Chi). Dự án này có tổng chiều dài 28 km và đi trên cao toàn tuyến, tổng mức đầu tư hơn 2,7 tỉ USD. Hồi tháng 7.2022, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn PowerChina ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đề xuất đầu tư tuyến metro này.
Đối với 2 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray vẫn đang dừng lại ở khâu kêu gọi đầu tư.
Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM trình Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xin chủ trương đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận 49 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kết luận 49 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2035 phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM. Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đánh giá việc hoàn thành 200 km trong 12 năm tới là mục tiêu rất lớn, nếu tiếp tục cách làm tương tự 20 năm qua thì không thể thực hiện kịp.
Theo đề án đang được xây dựng, TP.HCM đề xuất đa dạng nguồn lực tài chính từ mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), huy động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho vay lại…
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đề xuất phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật chung, chuẩn bị nguồn nhân lực vận hành thông qua việc liên kết, đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo về đường sắt đô thị.
Bình luận (0)