Chị Nguyễn Thủy Tiên (33 tuổi), đồng sáng lập và điều hành BCNV chia sẻ với PV Thanh Niên: “35 đội thi trên khắp thế giới và 6 đội vào chung kết đều rất xuất sắc. Các bạn có những dự án hay, ý nghĩa cho cộng đồng bệnh nhân ung thư và đã từng tổ chức những hoạt động tầm quốc gia. So ra, BCNV là bé nhất, chỉ với 4 thành viên. Chiến thắng này thật sự bất ngờ và là nỗ lực của cả ê-kip trong nhiều tháng qua”.
Dự án áo lót cho bệnh nhân ung thư vú của BCNV đã thực hiện từ năm 2014. Trong 7 năm, BCNV tổ chức các hoạt động gây quỹ, xin tài trợ để mua sản phẩm từ nước ngoài vì Việt Nam chưa có công ty sản xuất.
“Áo lót thì đặc biệt, mỗi người một kích cỡ nên việc đặt mua khá phức tạp. Chúng tôi cho bệnh nhân đăng ký và kiểm tra size lại thật kỹ trước khi tặng. Giá rất cao. Tính đến 2019, chúng tôi chỉ hỗ trợ được cho khoảng 800 bệnh nhân. Trong khi đó, sản phẩm này có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt y khoa mà còn là thẩm mỹ và cảm xúc”, chị Tiên nói.
Nhận thấy dự án còn nhiều bất cập, chị Tiên bắt đầu đi học và nghiên cứu sâu hơn về may mặc nội y. Áo lót cho bệnh nhân ung thư vú có nhiều điểm khác biệt hơn so với áo thông thường. Nhưng thiết kế, màu sắc và giá thành của các sản phẩm ngoại nhập là rào cản để bệnh nhân Việt Nam có thể tiếp cận, sử dụng.
Trong 2 năm, chị Tiên đem dự án đi gõ cửa nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước nhưng đều nhận cái lắc đầu. “Đây thực sự là vấn đề khó nói và được cho là không thiết yếu. Nhưng với bệnh nhân ung thư vú, việc cải thiện cuộc sống hậu điều trị rất quan trọng để giúp họ vui vẻ, lạc quan và tự tin hơn”, chị chia sẻ.
Năm 2020, chị Tiên hợp tác với một công ty và làm thử 100 mẫu do chị tự thiết kế. Sau đó, sản phẩm được gửi đến các bệnh nhân ung thư vú để dùng thử và đưa ra đánh giá. So với các sản phẩm nước ngoài, mẫu được đánh giá có thiết kế, màu sắc đẹp hơn và giá thành hợp lý hơn.
“Sản phẩm vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và cần nhiều thời gian nữa. Tôi muốn giải quyết nhu cầu cần một chiếc áo lót có thể nhét quả và mặc thường nhật. Nó không phải áo y khoa và phù hợp với người đã lành các vết thương. Nó sẽ mang đến sự thoải mái, nữ tính và tự tin cho chị em phụ nữ và không nhắc nhở rằng họ là một bệnh nhân ung thư đã đoạn nhũ. Tôi hy vọng nó sẽ là một sản phẩm tốt với giá thành hợp lý”, chị Tiên tâm sự.
Trong thời gian tới, chị Tiên và BCNV sẽ tập trung cải tiến sản phẩm từ chất lượng đến mẫu mã, hy vọng dự án này vừa có thể giúp đỡ cho cộng đồng bệnh nhân ung thư, vừa đem lại doanh thu cho BCNV và doanh thu đó cam kết sử dụng để hỗ trợ cộng đồng.
The Pinnacle Program là một chương trình trực thuộc Rare Cancers Australia (RCA). Pinnacle là nơi học tập, kết nối, hợp tác và chia sẻ giữa các tổ chức bệnh nhân trên toàn thế giới để có thể hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn. Chương trình Pitch for Pinnacle dành cho các tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư trên thế giới. Với format tương tự như Shark Tark, 6 tổ chức vào chung kết sẽ có 10 phút trình bày ý tưởng dự án của mình trước thành viên ban giám khảo. Giải thưởng cho đội thắng cuộc là 15.000 USD. Sáu đội bước vào chung kết năm nay là Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV), Cansupport (Ấn Độ), Hope Foudation for Cancer Care (Đài Loan), King Hussein Cancer Foudation and Center (Jordan), Rare Diseases (Nam Phi) và YunSeul Care (Hàn Quốc).
Bình luận (0)