Các thợ đá cũng như người dân sống gần mỏ đá khai thác thủ công đang ngày ngày đối mặt với nguy cơ mất mạng hoặc thương tật do nhiều chủ mỏ không tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn trong khai thác.
Khai thác vỉa thẳng đứng khiến các mỏ đá có thể sập bất cứ lúc nào - Ảnh: Ngọc Minh |
Hiểm nguy rình rập
Khảo sát tại các mỏ đá ở xã Yên Lâm (H.Yên Định) và xã Cao Thịnh (H.Ngọc Lặc, tại Thanh Hoá), chúng tôi chứng kiến những người thợ đá treo mình trên vách núi hàng giờ bằng một sợi dây thừng để khoan đá nhồi thuốc nổ. Do khai thác theo phương thức thủ công, nên các chủ mỏ thường cho lấy đá phía dưới chân núi, tạo các hàm ếch và những vết nứt đứng để đá sụp xuống. Đây là phương pháp khai thác đã bị cấm vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn và gây lãng phí tài nguyên, nhưng các chủ mỏ vẫn liều lĩnh áp dụng.
Trong khi đó, tất cả các mỏ khi được cấp phép đều có thiết kế mỏ theo phương pháp cắt tầng ngang, nhưng để làm đường lên mỏ tốn kém nên các chủ mỏ không thực hiện, dẫn tới nguy cơ tai nạn rất cao.
|
|
Một thợ chuyên làm nghề khoan đá để đặt mìn cho biết: Để khoan, nhồi thuốc nổ mìn phá đá, mỗi ngày họ phải treo mình trên vách núi 7-8 giờ đồng hồ, trung bình mỗi tháng chỉ được trả lương 4,5-5 triệu đồng.
Đáng chú ý, tại các mỏ đá kể trên có rất đông phụ nữ khuân, vác đá lên xe ngay dưới chân mỏ để kiếm sống, thường xuyên phải đối mặt với tử thần do núi bị đánh mìn, kết cấu đá bị thay đổi, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. “Không được ký hợp đồng lao động nên khi xảy ra tai nạn, gia đình người xấu số thường chỉ được đền bù 15- 20 triệu đồng/người. Những người bị thương ngoài tiền thuốc men, viện phí chỉ được hỗ trợ thêm 3-5 triệu đồng”, một phụ nữ làm nghề bốc vác đá nói.
Bất an cạnh mỏ đá
Người dân thôn Tân Phúc (xã Tân Trường, H.Tĩnh Gia) suốt một thời gian dài phải sống trong cảnh phập phồng lo lắng vì phải chạy lánh nạn khi doanh nghiệp nổ mìn phá đá. Bầu không khí trong lành ở vùng thôn quê cũng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng bởi tiếng ồn và bụi đá.
Anh Lê Trọng Hân, nhà sát công trường khai thác đá Hang Làng (thôn Tân Phúc) cho biết, ngày nào các thành viên trong gia đình anh cũng phải hai lần chạy ra ngoài tìm nơi ẩn nấp khi trên công trường nổ mìn. “Có hôm, vừa dọn xong mâm cơm thì họ thông báo nổ mìn, cả nhà phải tháo chạy lánh nạn”, anh Hân nói.
Tương tự, anh Nguyễn Trọng Hoàn (thôn Tân Phúc) cho biết, từ khi mỏ đá được khai thác đến nay, ngôi nhà của gia đình anh nhiều lần bị đá văng gây hư hỏng. Mỗi lần ở mỏ nổ mìn, đá văng ầm ầm xuống mái tôn. Nhiều viên văng mạnh thủng cả mái, lọt xuống nhà, rất nguy hiểm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN-MT Thanh Hóa) cho biết, đơn vị này đã cấp phép dài hạn trên 150 mỏ đá với thời hạn khai thác 15-30 năm. Theo ông Hoành, trước đây khi được cấp phép (ngắn hạn), doanh nghiệp tranh thủ khai thác càng nhanh càng tốt, nên gần như đã bỏ qua khâu làm đường lên núi, khai thác từ trên xuống dưới theo thiết kế khai thác mỏ. Vì vậy, hầu hết các mỏ đều nằm trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Nhưng sau khi được cấp phép dài hạn, bước đầu cũng đã có doanh nghiệp làm đường lên mỏ, khai thác đúng quy trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ mỏ chưa thực sự quan tâm đến an toàn khai thác.
“Hiện Sở TN-MT đang chủ trì, phối hợp với các sở liên quan và các địa phương tổng kiểm tra quy trình khai thác, công tác bảo đảm an toàn khai thác ở tất cả các mỏ đá trên địa bàn. Nếu phát hiện mỏ đá nào khai thác không đúng theo thiết kế đã được phê duyệt, chúng tôi sẽ buộc các chủ mỏ dừng khai thác”, ông Hoành nói.
Bình luận (0)