Mang những mô hình khởi nghiệp ra Trường Sa

28/04/2017 10:48 GMT+7

Trong chuyến hành trình ra với biển, đảo lần này, nhiều bạn trẻ tiêu biểu đã mang những món quà ý nghĩa từ chính dự án khởi nghiệp của mình.

Chuyến hành trình mang tên “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2017 do T.Ư Đoàn tổ chức. Hành trình đã khởi hành vào sáng 27.4 tại Cảng Cát Lái, TP.HCM.
Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương; Chuẩn đô đốc - Phó chủ nhiệm Chính trị hải quân Phạm Văn Sơn, đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân, các lãnh đạo ban ngành, đoàn thể cùng hàng trăm cán bộ, đoàn viên thanh niên TP.HCM đến tiễn đoàn hành trình đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Hành trình mở đầu cho chuỗi hoạt động “Theo bước chân những người anh hùng” của tuổi trẻ cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ. Chính vì thế trong chuyến đi lần này, ngoài những hoạt động xã hội như thăm, tặng quà, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao..., còn có chương trình “Những anh hùng trên biển”, đêm nhạc “Vòng tròn bất tử”, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên biển...
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, Trưởng đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, nhìn nhận: “Hành trình minh chứng cho hành động của tuổi trẻ đến với biển đảo thân yêu; thể hiện khát vọng thanh niên lập thân, kiến quốc; đúc kết tinh thần khởi nghiệp với nhiều công trình, sản phẩm, thành tích nghiên cứu thiết thực hướng về biển, đảo quê hương, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, trách nhiệm, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi biên giới, hải đảo đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ và thực hiện chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Mang những mô hình khởi nghiệp ra Trường Sa 1
Ba chàng trai mang mô hình khởi nghiệp ra Trường Sa (từ trái sang: Hiếu, Duy, Sang)
Mô hình trồng rau sạch
Chuyến hành trình lần này ngoài những đại biểu tiêu biểu là những doanh nhân trẻ, sinh viên, văn nghệ sĩ, bác sĩ, trí thức trẻ..., còn có 10 thanh niên được lựa chọn qua vòng thi tuyển - những người đã có đóng góp các công trình thiết thực hướng về biển, đảo quê hương.
Tiêu biểu là mô hình khởi nghiệp của chàng trai Đà Lạt, Nguyễn Thanh Sang (chủ trang trại hoa lan Đà Lạt) với mô hình trồng rau sạch trên đảo Trường Sa.
“Tôi đã tìm hiểu rất nhiều và được biết ở đảo vẫn thiếu thốn nhiều nhất về rau xanh và phương pháp sản xuất rau xanh an toàn hiệu quả, tiết kiệm nước nên tôi sẽ đề xuất, hỗ trợ nguyên vật liệu cho mỗi điểm đảo ghé thăm bằng cách thực hiện giải pháp từ chính mô hình khởi nghiệp mà tôi đã thành công”, Sang chia sẻ.
Tận dụng nguồn phân từ gia súc gia cầm nuôi trên đảo, áp dụng ủ phân hữu cơ bổ sung vôi, phân lân và quan trọng là bổ sung nấm trichoderma giúp phân mất mùi hôi nhanh, mau hoại mục, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển, làm đất tơi xốp...
Tặng hạt giống khổ qua rừng (một loại cây ăn được lá, quả tốt cho sức khỏe, sống tốt ở nơi khí hậu khô nóng) và một số rau củ quả an toàn là những đặc sản của Đà Lạt gửi đến Trường Sa. Ngoài ra, ở mỗi điểm đến, Sang sẽ tặng, hướng dẫn chăm sóc cho các cán bộ chiến sĩ mỗi nơi là những giỏ hoa phong lan hợp với khí hậu nóng.
“Những chiến sĩ ở đây ngày đêm canh giữ bình yên cho Tổ quốc và không được đón tết cùng với gia đình, người thân. Tôi muốn mang một chút hương sắc đất liền, hương sắc quê nhà để các chiến sĩ có được những mùa xuân ấm áp hơn”, Sang giãi bày về lý do mang mô hình trồng hoa lan ra đảo Trường Sa chuyến này.

Anh Lê Duy Hưng Thịnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, Phó trưởng đoàn hành trình, nhận xét: “Chúng tôi đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám nghiên cứu của các bạn. Dám nghĩ đến những vấn đề khó mà dân quân Trường Sa đang gặp phải để tìm hướng giải quyết. Có thể thấy môi trường ở đảo đang thiếu thốn rất nhiều thứ, nên tinh thần dám nghĩ, dám làm của các bạn như là cột mốc về tinh thần lẫn vật chất cho những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng biển, đảo của quê hương”.
Lọc nước mặn thành nước ngọt
Còn Ngô Tùng Hiếu, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ thì mang mô hình lọc nước mặn thành nước ngọt.
Mô hình chuyển hóa nước biển thành nước ngọt này áp dụng nguyên lý của hiệu ứng nhà kính và sự bốc hơi, ngưng tụ của hơi nước. Khi cho nước biển vào bên trong mô hình thì dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, nước biển sẽ bốc hơi và ngưng tụ phía dưới mặt kính là nắp đậy của mô hình, do nắp kính nghiêng nên các giọt nước ngọt sẽ từ từ chảy xuống phía dưới máng thu nước và thông qua van xả, có thể lấy nước ra ngoài và sử dụng.
Sau một thời gian nước biển bên trong bốc hơi hết thì sẽ còn lại cặn muối và phía đáy của mô hình sẽ có một đáy nghiêng dồn toàn bộ cặn về van xả và chúng ta sẽ dễ dàng lấy muối ra và vệ sinh sạch sẽ bên trong mô hình.
Hành trình lần này Hiếu muốn khảo sát và thực nghiệm xem mô hình có đảm bảo với điều kiện khí hậu ngoài này hay không để tiếp tục cải tiến, phục vụ tối ưu cho người lính trên đảo Trường Sa.
Từ nhỏ, Hiếu đã ước mơ làm lính hải quân, nhưng khi lớn lên do không đủ chiều cao nên phải học ngành khác. Khi biết được có chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” được T.Ư Đoàn tổ chức hằng năm, Hiếu đã cố gắng học thật giỏi và tham gia năng nổ các hoạt động Đoàn để được một lần ra với biển, đảo quê hương, ra với những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.
“Nếu không được làm một lính hải quân, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc thì mình vẫn có thể là một hậu phương vững chắc. Nghiên cứu và cống hiến những món quà ý nghĩa để tạo điều kiện tốt cho các chiến sĩ an tâm công tác”, Hiếu tâm đắc.
Khắc phục các bình ắc quy
Ngoài hai mô hình trên, còn có giải pháp khắc phục các bình ắc quy dự trữ điện dễ bị hư hỏng trên quần đảo Trường Sa của Trần Anh Duy, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
“Trong thời gian chuẩn bị hồ sơ tham gia hành trình, mình đọc rất nhiều bài báo, xem rất nhiều phim tài liệu về Trường Sa, về những khó khăn trên đảo, những điều mà người dân và chiến sĩ đang cần. Có một bài báo mình đọc được rằng, trên đảo đang ứng dụng năng lượng mặt trời vào đời sống và sản xuất, tuy nhiên chưa thể bảo quản tốt nguồn năng lượng do điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt. Vì thế, cả thân và lõi đều rất dễ bị hư. Chính vì vậy mà ý tưởng này của mình ra đời”, Duy nói.
Duy sử dụng vật liệu là nhựa PPO (polyme tổng hợp), có độ bền cơ học cao, cứng, chống va đập, chịu nhiệt cao, chống dầu mỡ, chống thấm, chống nước, tuổi thọ lớn hơn 20 năm. Và lõi bên trong bằng đồng, khi đấu nối sẽ đạt chuẩn IP68, dòng chịu 20 - 30A.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.