Được trồng thử nghiệm trên diện tích chừng 1,2 ha, cây măng tây đang sinh trưởng tốt trên vùng đất cát pha, mang lại nhiều hy vọng đổi đời cho bà con nông dân nghèo ở Điện Bàn, Quảng Nam.
Bà Phạm Thị Hà chăm sóc vườn măng tây - Ảnh: An Dy |
Cây dinh dưỡng cao
Đầu năm 2015, bà Phạm Thị Hà (52 tuổi, ngụ khối phố Tân Khai, P.Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) phát hiện bị ung thư lá lách, phải phẫu thuật và xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Trong quá trình điều trị tại đây, bà được các y bác sĩ tận tình tư vấn tăng cường măng tây vào chế độ dinh dưỡng, vì theo các nghiên cứu khoa học thì glutathione, một chất chống ô xy hóa có khả năng phòng ngừa và điều trị ung thư, có rất nhiều trong măng tây. Chưa kể, chất asparagin có trong măng tây cũng rất cần cho quá trình phân chia tế bào, được sử dụng trong điều trị bệnh tim mạch và gout (gút)... Tuy nhiên, thời điểm ấy măng tây chưa thực sự phổ biến ở những tỉnh thành Trung Trung bộ, nhất là với bà con nông dân nghèo. Bên cạnh đó, giá măng tây khá cao nên những hộ nghèo khó có cơ hội sử dụng hằng ngày.
Đúng lúc này, Trạm khuyến nông thị xã Điện Bàn, sau khi học hỏi kinh nghiệm và đánh giá hiệu quả của các mô hình trồng măng tây ở các tỉnh thành phía nam, đã khuyến khích bà con triển khai trồng măng tây thử nghiệm trên vùng đất cát pha tại phường Điện Dương. Ông Nguyễn Đệ, chồng bà Hà, quyết tâm tham gia trồng thử nghiệm, một phần muốn có nguồn măng tươi ổn định và thực sự xanh, sạch cho vợ chữa bệnh, một phần muốn cải thiện cuộc sống gia đình.
|
|
Măng tây cũng góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình ông Đệ, khi măng được thu mua với giá 80.000 - 120.000 đồng/kg. “Cây măng tây tiêu thụ ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều tỉnh thành bắc miền Trung có gốc gác từ các tỉnh phía nam. Trong khi đó, cơ hội trồng thành công loài cây mang giá trị dinh dưỡng cao này ở Quảng Nam là rất lớn. Nếu có được vùng nguyên liệu tại chỗ thì măng tây sẽ không phải đi một chặng xa xôi để đến với người tiêu dùng, độ tươi xanh được giữ cùng giá trị dinh dưỡng của măng, đồng thời giảm thiểu được nguy cơ phun tẩm hóa chất bảo quản trong quá trình vận chuyển”, anh Hà Đức, Tổ phó Tổ hợp tác măng tây xanh Điện Dương, cho biết.
Tổ hợp tác phát triển bền vững
Theo anh Hà Đức, tổ hợp tác đang có 8 hộ dân tham gia trồng thí điểm hơn 1,2 ha măng tây, dưới sự giám sát kỹ thuật của các cán bộ khuyến nông thị xã Điện Bàn. Những lứa măng đầu tiên thu hoạch thành công không chỉ mang lại thu nhập cao cho bà con mà còn hứa hẹn về một vùng trồng măng tây nguyên liệu đầu tiên ở xứ Quảng.
“Chăm măng tây khá nhàn, ít công, hiệu quả kinh tế trước mắt thấy cao hơn so với hoa màu truyền thống trồng tại địa phương”, ông Lê Văn Phận (50 tuổi), một hộ trồng măng tây thử nghiệm trên diện tích 750 m2, khẳng định. Hiện trung bình một thành viên của Tổ hợp tác măng tây xanh Điện Dương trồng khoảng 1.000 m2, thu hoạch 2 - 3 kg/ngày do bụi măng còn nhỏ. “Khi măng mẹ được chăm sóc, phát triển tốt thành bụi lớn hơn, thu hoạch sẽ gấp 2, gấp 3. Nếu mở rộng diện tích trồng, mỗi ngày chỉ ngắt măng giao tổ hợp tác điều phối đầu ra thì đều đều cũng thu được cả triệu/ngày”, anh Đức nói và cho biết tổ hợp tác sẽ chủ động khâu thu hoạch măng ở các nhà vườn và có chiến lược quảng bá trên mạng xã hội, đưa sản phẩm đến các phiên chợ nông sản sạch... điều phối đầu ra hỗ trợ người dân.
Bình luận (0)