Mang Yang có lợi thế lớn để phát triển vùng nguyên liệu sữa

16/04/2024 11:14 GMT+7

Đó là khẳng định của PGS-TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam dù sữa không phải là thế mạnh của vùng nhiệt đới như Việt Nam. Thế nhưng nhờ công nghệ, giống chất lượng cao, khí hậu... ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam có những bước tiến vượt trội, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước phát triển trên thế giới'.

PGS-TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam - chia sẻ như trên tại Tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 16.4 tại hội trường tòa soạn báo. 

Dòng sữa chất lượng cao, sữa hữu cơ, hỗ trợ điều trị... đều được doanh nghiệp trong nước sản xuất

Trước dịch Covid-19, ngành sữa tăng trưởng 2 con số. Riêng năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa tươi của cả nước có phần chững lại do ảnh hưởng kinh tế hậu Covid-19, ước đạt 1.860,8 triệu lít, tăng 7,5%; sữa bột đạt 154.800 tấn, tăng nhẹ 0,1% so với năm trước... Tính đến nay, cả nước có hơn 1.700 trại bò sữa, với quy mô trung bình 37,4 con/trại và nhiều trang trại nuôi quy mô lớn từ 2.000 con đến vài chục nghìn con. Ngoài ra còn có gần 28.700 hộ chăn nuôi bò sữa. Trong đó, có khoảng 15 trang trại lớn, có công nghệ hiện đại khép kín; số liệu chưa đầy đủ thì tổng đàn bò sữa cả nước hiện nay ước gần 400.000 con…

Tuy vậy, PGS-TS Trần Quang Trung nhấn mạnh: "Nguồn sữa nguyên liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sữa của người Việt vẫn còn rất thấp so với các nước lân cận, thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, mỗi người Việt chỉ tiêu thụ khoảng 26 - 28 lít, Thái Lan là 35 lít/người, Singapore là 45 lít/người, các nước châu Âu lên đến 80 - 100 lít/người, Hà Lan 300 lít/người... Dẫn các số liệu này để thấy, ngành sữa tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năm để phát triển. Tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng cường về dinh dưỡng và miễn dịch của người dân và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng sữa tươi của người Việt Nam sẽ còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới, do đời sống kinh tế phát triển, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đặc biệt đối với các sản phẩm dinh dưỡng như sữa".

PGS-TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam- phát biểu tại tọa đàm

PGS-TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam- phát biểu tại tọa đàm

ĐỘC LẬP

Bên cạnh đó, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và khi đời sống kinh tế phát triển. Các khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm mới, sản phẩm hữu cơ. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa bột, sản phẩm probiotic... dùng cho những nhóm đối tượng: người cao tuổi, người mắc bệnh nền, ung thư, tiểu đường… sẽ có xu hướng tăng cao hơn.

Cầm hộp sữa Nutimilk lên, ông Trung dẫn chứng: Dòng sữa chất lượng cao, sữa hữu cơ, hỗ trợ điều trị... đều được doanh nghiệp trong nước sản xuất và đạt chuẩn quốc tế. Ngay đợt dịch vừa qua, gần như toàn bộ nguồn sữa hỗ trợ cho bệnh viện, bệnh nhân được cung cấp từ sữa trong nước, góp phần rất lớn bảo vệ sức khỏe cho người làm công tác điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó, chương trình sữa học đường, sữa cung cấp cho vận động viên... Nói chung, không có sản phẩm nào cung cấp đạt độ dinh dưỡng ngay lập tức như sữa.

Mang Yang - Gia Lai là mô hình để các địa phương có khí hậu tương ứng học hỏi để nuôi bò sữa.

PGS-TS Trần Quang Trung nhận xét: "Trong nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư công nghệ, nhiều nhà máy mới với công nghệ hiện đại đã được đưa vào sản xuất chế biến; đàn bò sữa với giống cao sản đã được nhập khẩu, nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng quy mô lớn gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn. Đặc biệt, hàng ngàn con bò sữa chất lượng và năng suất cao cũng đã được các doanh nghiệp sữa lớn như Nutifood nhập về để bổ sung phát triển đàn bò sữa rất đáng ghi nhận. Doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu sữa tươi đã chủ động xây dựng và hoàn thiện trang trại nuôi bò sữa; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ có liên kết sản xuất với hộ chăn nuôi bò để đảm bảo an ninh sữa nguyên liệu, bảo đảm thu mua, giá sữa luôn được duy trì ổn định, tạo việc làm, giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa".

Những địa phương có khí hậu ôn đới, mát mẻ... như Mang Yang là lợi thế lớn để phát triển đàn bò sữa chất lượng và cho năng suất cao

Những địa phương có khí hậu ôn đới, mát mẻ... như Mang Yang là lợi thế lớn để phát triển đàn bò sữa chất lượng và cho năng suất cao

ĐỘC LẬP

Những địa phương có khí hậu ôn đới, mát mẻ... là lợi thế lớn để phát triển đàn bò sữa chất lượng và cho năng suất cao, có sản lượng tốt tương đương với sữa được sản xuất ở những cường quốc về sản phẩm này trên thế giới như Úc, New Zealand, Ireland. 

Nhắc lại chủ đề tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa", PGS-TS Trần Quang Trung khẳng định: Mang Yang (Gia Lai) chắc chắn có lợi thế lớn về khí hậu thời tiết hơn các tỉnh miền Trung trong đầu tư trang trại nuôi bò sữa. Bò sữa cần sống trong môi trường nhiệt độ mát mẻ, nuôi bò tại những vùng khí hậu này, chắc chắn sẽ có sản lượng cao, chất lượng sản phẩm cao. Gia Lai không cần đầu tư quá lớn làm mát cho trang trại bò. Đây được xem như một ốc đảo xanh tươi, cách biệt hoàn toàn với sự náo nhiệt của đô thị, có khí hậu quanh năm mát mẻ và trong lành, với nhiệt độ dao động từ 21-25°C, độ ẩm 82% cùng những lợi thế địa hình bằng phẳng, có những bãi cỏ xanh tốt là nguồn thức ăn tự nhiên và giàu dinh dưỡng là những lợi thế tuyệt vời cho ngành chăn nuôi bò sữa. 

Đặc biệt, địa hình đồi núi của Gia Lai có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước sạch tự nhiên. Riêng tại Mang Yang, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ rộng khắp địa bàn. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa. "Chính sự kết hợp giữa môi trường thiên nhiên thuần khiết, với việc nhập giống bò sữa cao sản và công nghệ sản xuất hiện đại sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam nguồn sữa tươi dồi dào, chất lượng. Có thể thấy, điển hình sữa tươi tại trang trại bò sữa NutiMilk tại Mang Yang đã đạt đến 3,5gr đạm trên 100ml sữa, sản lượng 35 lít/con bò vắt sữa/ngày. Trong khi chuẩn ngành nông nghiệp chăn nuôi bò sữa đòi hỏi 2,7gr đạm/100ml. Như vậy, chất lượng sữa nguyên liệu tại Nutimilk tương đương các nước chăn nuôi bò sữa lớn trên thế giới", ông Trần Quang Trung nhấn mạnh.

Tuy vậy, những hộp sữa tươi từ Việt Nam không nên và không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, ông Trung nói điều đáng tự hào là những hộp sữa được sản xuất từ nguyên liệu trong nước đã xuất khẩu đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, có nhiều thị trường phát triển. Muốn vậy, vùng nguyên liệu tốt cần được nhân rộng tại những địa phương có thế mạnh về khí hậu, địa lý, trong đó, Mang Yang - Gia Lai xứng đáng là mô hình để các địa phương có khí hậu tương ứng học hỏi để nuôi bò sữa. Ông nói, có doanh nghiệp phải tìm sang Úc, Lào để trồng cỏ nuôi bò sữa, tại sao chúng ta không tìm cơ hội từ đây để hội nhập tốt hơn. 

Hiện Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 các nước châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò sữa, chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước có chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh về chất lượng và sản lượng sữa tươi với các quốc gia. Chúng ta tự hào hiện có nhiều sản phẩm sữa mang thương hiệu của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng đã xuất sang trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.