Mang Yang - Gia Lai hội tụ nhiều yếu tố để trở thành 'thiên đường bò sữa'

16/04/2024 09:09 GMT+7

Ngày 16.4, Báo Thanh Niên tổ chức buổi tọa đàm 'Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa', tại tòa soạn báo (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM).

Chương trình có sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, khoa học nông nghiệp để cùng thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm khai thác lợi thế của Mang Yang - Gia Lai vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước. 

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Các đại biểu tham dự tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa"

ĐỘC LẬP

Từ cuộc thi viết về những vùng đất

Phát biểu khai mạc, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết: Từ 5 năm trước, Báo Thanh Niên đã khởi xướng các cuộc thi viết về các vùng đất dành cho bạn đọc trên toàn quốc như: Sài Gòn - Thành phố tôi yêu, Hà Nội thành phố tôi yêu hay Hào khí miền Đông, Nghĩa tình miền Tây... Đặc biệt là cuộc thi viết về về ĐBSCL, vựa lúa của cả nước. Hàng ngàn bạn đọc, đặc biệt là những người con ở các tỉnh miền Tây đã gởi bài tham gia cuộc thi trong đó có các lãnh đạo chính quyền đã về hưu còn đau đáu với cơn khát nước, khát phù sa của hạ nguồn khi thượng nguồn ngày càng khô cạn vì thủy điện chặn dòng. 

"Đó là những con dân cả đời sống gắn bó với miền Tây, nhớ về một vùng đồng bằng trù phú từ hàng trăm năm trước. Là những đau đáu sạt lở, sụt lún, nước biển dâng đang nhấn chìm ĐBSCL của chúng ta. Bức tranh về miền sông nước của Việt Nam được phát họa qua những điệu hò, câu ca; sự phát triển của ĐBSCL qua nhiều thời kỳ với trách nhiệm bảo đảm lương thực cho người dân cả nước và thách thức trước đổi mới, hội nhập, biến đổi khí hậu... Với người làm báo chúng tôi, ĐBSCL cũng chưa bao giờ hiện ra đa chiều đến như thế. Là những người khởi xướng cuộc thi, bản thân chúng tôi cũng không thể ngờ nhận lại những giá trị quý báu đến như vậy. Thú thật, chúng tôi đã rất vất vả và khó khăn để loại bài này, trao giải bài kia…", nhà báo Lâm Hiếu Dũng nhấn mạnh.

Mang Yang Gia Lai Viên ngọc thô chờ thành thiên đường bò sữa

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu khai mạc hội thảo

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu khai mạc hội thảo

ĐỘC LẬP

Quan trọng hơn, cuộc thi đặt ra cho những người làm báo chúng tôi trách nhiệm phải truyền thông, chuyển tải những cái được, cái chưa được, những góc khuất, những giải pháp, những tiếng nói chưa được chú ý... tới địa chỉ mà nó cần tới. Cao hơn nữa là khám phá, phát hiện các tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng đất. Đề xuất các ý tưởng, các giải pháp để khai thác các lợi thế, tiềm năng đó, đóng góp vào sự phát triển của địa phương nói riêng và nền kinh tế chung của đất nước. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì cuộc thi viết về vùng đất trên mọi miền Tổ quốc dù 4 năm vừa qua. Và năm 2024 này, vùng đất mà Báo Thanh Niên dự tính khởi xướng cuộc thi viết chính là Tây nguyên.

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng nhấn mạnh: "Tây nguyên là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn; nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Đây cũng là vùng có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đầu nguồn sinh thủy của các con sông lớn, diện tích rừng lớn; tài nguyên du lịch đa dạng gắn với thiên nhiên và văn hóa đặc sắc. Thế nhưng, do nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển lớn, chủ yếu kết nối bằng các tuyến đường bộ với thời gian dài, chưa có mạng lưới đường cao tốc và đường sắt nên rất nhiều tiềm năng của vùng đất này chưa được đánh thức".

Trong quá trình khảo sát cho cuộc thi viết về Tây nguyên, điều Báo Thanh Niên nhận thấy là nhiều tỉnh thành đã tận dụng lợi thế về độ cao, khí hậu, tài nguyên ở Tây nguyên để xây dựng thương hiệu đặc sản của địa phương mình. Ví dụ, nói đến cà phê là nghĩ đến Đắk Lắk, nói đến Lâm Đồng là thủ phủ của rau, hoa, chè... Thế nhưng nói đến Gia Lai, tỉnh có diện tích lớn thứ hai Việt Nam và đứng thứ nhất vùng Tây nguyên thì "có rất nhiều" nhưng tiềm năng ẩn giấu cũng còn rất nhiều. Thực tế, Gia Lai có hầu hết các sản vật của Tây nguyên, có cà phê, có bơ, có sầu riêng, có bò một nắng, mật ong rừng và như nói trên, đây cũng là nơi nuôi dưỡng và cho ra đời dòng sữa tươi chuẩn thế giới đầu tiên của doanh nghiệp Việt. Thế nhưng, để chọn ra một thương hiệu là thế mạnh của vùng đất này, để nhắc đến nó, người ta nghĩ đến Gia Lai thì quý vị nghĩ đến cái gì? 

"Từ suy nghĩ đó, chúng tôi mạnh dạn hình thành ý tưởng Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa với tham vọng, nhắc về bò sữa, nghĩ đến Gia Lai và ngược lại, nói đến Gia Lai là nghĩ ngay đến thiên đường bò sữa", nhà báo Lâm Hiếu Dũng tâm huyết.

Đến ý tưởng xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương

Đại diện lãnh đạo Báo Thanh Niên gợi mở: "Thực tế, nếu nhìn vào các thiên đường bò sữa trên thế giới hiện nay, Mang Yang - Gia Lai hội tụ mọi điều kiện cần và đủ để trở thành thiên đường bò sữa của Việt Nam".

Theo công bố Quy hoạch Gia Lai đến năm 2050, Gia Lai được quy hoạch thành "cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe", là vùng đất xanh, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp, phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp...

Về khí hậu thổ nhưỡng, huyện Mang Yang - Gia Lai hội tụ mọi điều kiện cần và đủ để phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa. Nằm ở độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, Mang Yang có khí hậu mát mẻ, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ đều trên khắp địa bàn. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa với chất lượng tuyệt hảo. Về việc này, lát nữa sẽ có đại diện Mang Yang nói sâu thêm.

Một yếu tố quan trọng để biến các lợi thế thành hiện thực, đó chính là các nhà đầu tư, những người mang vốn, công nghệ, kinh nghiệm cũng như kết nối với thị trường trong nước và thế giới. Tại Mang Yang đang có sự hiện diện của nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam, Nutifood với trang trại Nutimilk, trang trại đầu tiên tại Việt Nam cho nguồn sữa tươi đạt chuẩn thế giới mà hôm nay chúng tôi cũng mời tới đây chia sẻ thêm về lợi thế của vùng đất này khi đầu tư, phát triển trang trại chăn nuôi.

"Vậy Mang Yang - Gia Lai cần thêm những điều kiện cần và đủ gì để trở thành thiên đường bò sữa. Chúng tôi rất mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của tất cả các quý vị có mặt tại buổi tọa đàm hôm nay, những người đại diện cho chính quyền, ngành nông nghiệp Gia Lai; huyện Mang Yang, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia sữa hàng đầu Việt Nam", đại diện lãnh đạo Báo Thanh Niên đặt vấn đề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.