Thương nhớ xứ Huế

13/09/2020 06:38 GMT+7

1. Tôi rời Huế vào Sài Gòn năm 18 tuổi để nhập học. Tôi vẫn nhớ cảm giác lơ lửng trên toa tàu năm ấy. Người người chen chúc nhau, mùi ẩm mốc, tiếng động cơ cũ kỹ xình xịch...

Tôi bâng quơ nhìn qua cửa sổ, cảnh làng mạc, rừng núi cứ lướt qua đi. Đó là chuyến tàu đưa tôi tới hành trình làm người lớn. Với tôi người lớn nghĩa là tự có trách nhiệm với cuộc đời mình, lao động có ích và tất nhiên, không còn dựa dẫm vào ai được nữa. Nhiều lúc bất lực vì chao ôi nó khó quá, mệt mỏi quá. May mắn thay tôi có những ký ức quê nhà để cứu vớt tâm hồn, ôm ấp để nó có thêm chút sức lực.
Mùa hè ở một ngôi làng ven sông Truồi, gió Lào thổi từng cơn khô ráp. Ấy thế mà tôi trườn khỏi giấc ngủ trưa, chạy ù ra đường để bắt... chuồn chuồn. Tôi đi lại, rình rập nhẹ nhàng bắt từng con với kỹ năng điêu luyện, làm thành một xâu dài ngoằng. Bọn trẻ chúng tôi luôn sáng tạo ra những trò độc đáo. Chẳng là hồi đó nhà ai cũng có một chiếc chổi cùn. Những bó chổi dài được phơi khô, buộc dây lạt chắc chắn và tra vào một cái cán tre nhỏ, quét trên nền xi măng hay đất thì cực sạch. Cách này chỉ bắt được chuồn đá thôi vì chúng thường đậu trên những bụi cỏ. Đấy, tôi cầm cây chổi, đi nhón gót tưởng như không phát ra tiếng động, chờ thời cơ thích hợp thì ùm, chụp cây chổi lên chú chuồn chuồn xấu số. Sau đó, tôi ngồi xuống, nhẹ nhàng dỡ bó chổi lên một xíu, thò tay vào lôi chú mày ra. Còn những loại bay cao hay đậu trên cành thì sao? Này nhé, lấy gân một ngọn lá dừa rồi bôi lên đầu một chút mủ cây mít. Chú nào đang đậu thì chỉ cần chạm nhẹ vào lưng là mắc cứng ngay. Bắt được không biết bao nhiêu mà kể. Thỉnh thoảng tôi lại cho chúng cắn vào rốn đến chảy máu để biết bơi. Thật dại dột!
2. Xứ Huế gọi những người phụ nữ lớn tuổi là mệ, như cách miền Nam gọi bà. Tôi là con út trong gia đình có 5 chị em. Tuy không còn mệ ruột nhưng thật may mắn tôi có những người mệ đáng trân quý khác. Cách đây chục năm, các mệ vẫn còn nhuộm răng đen và nhai trầu bỏm bẻm. Mệ Lang - chị cả của ông nội tôi, lúc bấy giờ đã ngoài 80, thường chống gậy lượm những trái đào ngoài vườn. Sau đó, phơi khô chúng giữa sân và gói lại từng bịch cho con cháu kho cá. Giấu thêm những gói bánh gói mứt hội cựu chiến binh tặng và quần áo cũ, mệ nằng nặc đòi mấy đứa con chở qua nhà tôi. Ai cũng tặc lưỡi “chao ôi răng tốn công rứa, mấy cái ni tụi con có thiếu mô”. Vậy mà riêng thức mệ cho vẫn ngon lành hơn hẳn. Còn mệ Yến - chị thứ, lại tiện tặn từng đồng bạc lẻ để có dịp về quê cho mấy đứa nhỏ.
Hồi đó tôi trông ngóng các mệ biết bao. Tâm hồn trẻ nhỏ luôn thèm thuồng quà bánh. Đến khi lớn lên lại thích nghe thủ thỉ chuyện ngày xưa của các mệ. Bây giờ, điều tôi hối hận nhất vẫn là không được gần gũi các mệ nữa. Lúc tôi chơi vơi nơi đất khách lại nghe tin từng người lần lượt rời thế giới. Mảnh đất nơi ta yêu có những người thương sống ở đó, và nằm trong lòng đất đó!
3. Thời gian đầu ở Sài Gòn, cứ tới lúc đói tôi lại khóc. Thức ăn ở đây sao mà ngọt quá, ngậy quá. Tôi nhớ da diết cái hương vị cay mặn của quê nhà. Đến thức ăn cũng “khắc nghiệt” như khí hậu, vậy mà ngon lạ.
Bát canh cá kình đầm Cầu Hai nấu với lá me sau nhà, mùi thơm của cá rô đồng hấp củ ném, gói bánh lọc... có bạc vàng cũng không đổi được. Tôi thật mơ ước mở một cửa hàng ăn nho nhỏ ở Sài thành, vận chuyển và nấu đúng cái vị cố đô, để những người con xa quê vơi được chút chạnh lòng. Xin gửi những bạn đọc xa quê, cũng đang gặp khó khăn trên con đường trở thành người lớn một vài câu hát trong bộ phim Only Yesterday của studio Ghibli. Hãy mạnh mẽ lên nhé!
Nếu sợ cảnh chia ly,
Thì trái tim ta sẽ không bao giờ biết khiêu vũ.
Nếu sợ bị đánh thức,
Thì ta sẽ chẳng bao giờ có những giấc mơ đẹp.
Nếu sợ bị lừa dối,
Thì chúng ta có lẽ không bao giờ hiến dâng.
Nếu luôn sợ cái chết,
Thì sẽ bỏ lỡ những khoảnh khắc cuộc sống tuyệt đẹp.
Thương nhớ miền Trung, thương nhớ xứ Huế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.