Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 1.8.2024, khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực, những dự án triển khai chậm quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong quyết định đầu tư sẽ bị thu hồi mà không được bồi thường.
Cụ thể, các trường hợp đất được nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, sẽ bị thu hồi. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, chủ đầu tư được gia hạn không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho nhà nước khoản tiền tương ứng. Hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất.
Tuy nhiên, luật Đất đai 2024 quy định hết thời hạn sử dụng đất thì doanh nghiệp được gia hạn thêm tối đa 24 tháng và phải nộp thêm tiền. Đây cũng là hướng mở cho doanh nghiệp bởi có đến 48 tháng, tức 4 năm để hoàn thành các thủ tục nhằm triển khai dự án. Luật cũng đưa ra những điều kiện chậm do bất khả kháng như thiên tai, địch họa và nếu chứng minh được dự án chậm do lỗi của cơ quan chức năng, lỗi của những người thực thi công vụ thì sẽ không bị thu hồi.
Dự án "tay không bắt giặc"?
Nói về các dự án treo, bạn đọc (BĐ) Nghiadh bức xúc: "Dự án chậm chủ yếu do chủ đầu tư không có thực lực, kiểu "mượn đầu heo nấu cháo", hoặc do gặp thủ tục "hành là chính" gây ra. Người dân chịu giá đất thấp khi bị thu hồi là khổ nhất!".
BĐ Hung Ngo bình luận: "Nhiều dự án chủ đầu tư cố tình kéo dài, người thiệt thòi là người góp vốn hoặc những người nhẹ dạ cả tin mua hoặc đầu tư vào đó".
Trong khi đó, BĐ dangxuan…@gmail.com cho rằng: "Dự án treo là dự án "tay không bắt giặc" để có lợi nhuận nhiều cho một nhóm người nhưng không thiết thực cho cuộc sống của người dân, nên cần thiết phải mạnh dạn cắt bỏ, thu hồi để bất động sản trở lại giá trị thật của nó, để dân được hưởng lợi và đồng tiền được phát huy hiệu quả".
BĐ Anhthoi Hoang góp ý: "Cần cụ thể thời gian thực hiện quy hoạch, không thể cứ hết thời hiệu lại gia hạn. Đã không đủ năng lực để thực hiện thì tốt nhất là dừng lại. Người dân rất khó khăn khi nằm trong dự án, thường là thiệt thòi…".
Xử lý dứt điểm quy hoạch treo
Một trong những cái "treo" khiến BĐ bức xúc nhiều là quy hoạch treo. "Dự án treo tôi không ngại, nhưng rất ngại quy hoạch treo. Cần có chế tài dự án và chế tài vụ quy hoạch treo luôn", BĐ TC góp ý.
BĐ Nguyen Hai cho rằng: "Cần thiết phải tăng chế tài, xử lý mạnh mẽ hơn nữa đối với các dự án treo, dự án kéo dài dở dang, gây lãng phí… Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở những dự án treo; tăng phân cấp, thẩm quyền, trách nhiệm… đối với những người liên quan".
"Thực tế tại TP.HCM số lượng quy hoạch treo rất nhiều so với dự án treo. Quy hoạch treo làm cho người dân khó khăn hơn rất nhiều lần - đi cũng không được mà ở cũng không xong - không biết đến bao giờ thành dự án. Vậy sao chúng ta không giải quyết dứt điểm nạn quy hoạch treo?", BĐ Thanh Nguyen nêu.
Ngoài thu hồi không bồi thường, đề nghị còn xử lý trách nhiệm đối với cán bộ phê duyệt dự án.
Đỗ Xuân Kỳ
Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa , viên kim cương giữa lòng TP.HCM, vẫn có những thửa... đang trồng lúa!
Sinh Nguyễn Tuấn
Còn các dự án treo hơn 20 năm rồi thì sao? Tiêu biểu là dự án ga Bình Triệu…
Luck Good
Bình luận (0)