Mạo danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn thuốc, tiêm chủng, tuyển dụng lao động

22/07/2024 11:46 GMT+7

Một số bệnh viện tỉnh và Tổng công ty Dược Việt Nam (Bộ Y tế) đã thông tin về việc bị mạo danh để tư vấn tiêm chủng, bán thuốc, tuyển dụng lao động và kêu gọi từ thiện.

Bác sĩ không điện thoại tư vấn bán thuốc, mời tiêm chủng

Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết đã tiếp nhận các phản ánh về việc người bệnh nhận được cuộc gọi từ các đối tượng mạo danh là bác sĩ của bệnh viện này để bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thành phần gây nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mạo danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn thuốc, tiêm chủng, tuyển dụng lao động- Ảnh 1.

CTCP thông tin về việc các trang mạng, website giả mạo tuyển dụng lao động cho vị trí việc làm tại CTCP

CHỤP MÀN HÌNH

Cách thức thực hiện của nhóm đối tượng giả mạo là: gọi điện thoại cho người bệnh, người nhà người bệnh, tự xưng là bác sĩ của bệnh viện hỏi thăm tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau khi ra viện, đồng thời tư vấn liệu trình thuốc điều trị, thực phẩm chức năng, dịch vụ tiêm chủng cho trẻ sơ sinh.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn khẳng định: các bác sĩ của bệnh viện không thực hiện bán thuốc điều trị, thực phẩm chức năng và giới thiệu các dịch vụ tiêm chủng qua điện thoại. Người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước các đối tượng giả mạo để tránh mua phải các sản phẩm kém chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe.

Bệnh viện có bộ phận hỗ trợ người bệnh trực tiếp gọi điện thoại khảo sát sự hài lòng của người bệnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhưng không thực hiện tư vấn bán sản phẩm. Do vậy, các cuộc gọi tư vấn bán sản phẩm đều là mạo danh, người dân cần lưu ý để tránh nhầm lẫn.

Khi cần thông tin hỗ trợ người bệnh, người dân liên hệ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn theo số điện thoại 02053898992

Mạo danh tuyển dụng lao động ngành dược

Bộ Y tế cũng mới đây nhận được báo cáo từ Tổng công ty Dược Việt Nam (CTCP) về các website, nền tảng mạng xã hội (Facebook) giả mạo website, Facebook của Tổng công ty Dược Việt Nam với mục đích lừa đảo các ứng viên tham gia tuyển dụng vào các vị trí làm việc tại tổng công ty này, thông qua các đường link giả mạo.

Tổng công ty đã đăng thông tin cảnh báo giả mạo trên website chính thức, đồng thời gửi văn bản đề nghị Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC05), Công an TP.Hà Nội hỗ trợ rà quét, truy soát, ngăn chặn và xử lý các website, tên miền, các nền tảng mạng xã hội Facebook, Twitter, TikTok... giả mạo Tổng công ty Dược Việt Nam.

Tổng công ty Dược Việt Nam khẳng định không có bất kỳ kênh thông tin truyền thông nào trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Twitter, TikTok...

Tất cả các website, email không có tên miền vinapharm.com.vn và các nền tảng mạng xã hội nhân danh Tổng công ty Dược Việt Nam đều là giả mạo. Tổng công ty Dược Việt Nam không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ nội dung hay vấn đề có liên quan đến hoặc phát sinh từ các website, các nền tảng mạng xã hội giả mạo.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) đã phát hiện trường hợp giả mạo chữ ký của lãnh đạo và con dấu của bệnh viện này với mục đích kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm cho bệnh nhi để chiếm đoạt tiền.

Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo người dân và các nhà hảo tâm cần thận trọng trong tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ nội dung thông tin để hỗ trợ đúng người.

Mọi liên hệ ủng hộ, chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn cho các bệnh nhi tại bệnh viện này, vui lòng liên hệ Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi T.Ư tại địa chỉ: 18/879 La Thành, Q.Đống Đa, Hà Nội; số điện thoại: 02462738774 hoặc 02462731052.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.