Mạo danh người nổi tiếng quyên góp từ thiện, bị xử lý ra sao?

21/09/2021 06:30 GMT+7

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trường hợp kẻ xấu lợi dụng tên tuổi người nổi tiếng bị nạn để giả mạo kêu gọi quyên góp. Những hành vi trục lợi này không chỉ bị lên án về mặt đạo đức mà còn có thể bị xử lý hình sự.

Trục lợi từ tên tuổi nghệ sĩ gặp nạn

Mới đây, người thân, quản lý của ca sĩ Phi Nhung rất bất ngờ và bức xúc khi trên Facebook xuất hiện tài khoản có tên “Nguyễn Ngọc Châu” đứng ra kêu gọi người dân ủng hộ tiền cho Phi Nhung chữa bệnh. Điều đáng nói, tài khoản “Nguyễn Ngọc Châu” này được nhiều người theo dõi và được cho là của một nữ ca sĩ cùng tên được yêu mến ngoài đời. Tài khoản này đã đăng thông tin chia sẻ về tình trạng bệnh nặng của ca sĩ Phi Nhung và cho biết đại diện người thân của Phi Nhung đứng ra kêu gọi mọi người cùng hợp sức để giúp Phi Nhung có tiền chữa trị Covid-19. Ngay sau khi bài đăng với nội dung kể trên xuất hiện, người thân và gia đình ca sĩ Phi Nhung đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định đó là thông tin lừa đảo, bởi gia đình Phi Nhung cũng như quản lý, đại điện không có bất kỳ kêu gọi đóng góp tiền bạc nào cho Phi Nhung.
Bất ngờ hơn khi chính nữ ca sĩ Ngọc Châu (giải 3 Chuông vàng vọng cổ 2016) lên tiếng: “Hiện tại Facebook của Ngọc Châu đang bị hack, nên có một số người lợi dụng và đang mạo nhận tên tuổi của Ngọc Châu, thậm chí lấy luôn hình ảnh của Ngọc Châu để làm những việc xấu. Hình thức lừa đảo, nên mọi người cẩn thận dùm Ngọc Châu!”. Nữ ca sĩ trẻ khẳng định tất cả hình ảnh và thông tin đăng tải đó hoàn toàn không phải của cô.

Xôn xao thông tin Phi Nhung trở nặng, phải can thiệp ECMO, đại diện nói gì?

Đây không phải là trường hợp đầu tiên người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh và tên tuổi vào mục đích lừa đảo. Trước Phi Nhung, một số kẻ xấu còn lợi dụng việc nghệ sĩ Việt qua đời để trục lợi. Khi nam diễn viên - người mẫu Đức Long qua đời vào tháng 7, có tài khoản đã mạo danh gia đình, kêu gọi đóng góp để lo hậu sự cho anh. Khi đó, diễn viên Cao Thái Hà - bạn thân của Đức Long, đã khẳng định: “Gia đình và bạn bè thân lo đám tang cho Đức Long và hoàn cảnh cũng không khó khăn đến mức phải kêu gọi quyên góp. Mọi thông tin khác đều là sai lệch”. Hồi tháng 5, khi nhà thiết kế Nhật Dũng qua đời, kẻ gian đã lập tài khoản Facebook mạo danh, tự nhận là anh ruột của Nhật Dũng, thậm chí để lại số tài khoản ngân hàng, để kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp, khán giả ủng hộ và gửi tiền phúng điếu. Trước đó trong đám tang của nghệ sĩ Chí Tài vào cuối năm 2020, một tài khoản đã mạo danh ca sĩ Phương Loan - vợ nam nghệ sĩ, kêu gọi đóng góp tiền để đưa thi hài Chí Tài về Mỹ. Trong lúc tang gia bối rối, ca sĩ Phương Loan đã nhờ nghệ sĩ Việt Hương lên tiếng rằng phía người thân Chí Tài không kêu gọi bất cứ khoản đóng góp nào từ khán giả…

Những kẻ quyên góp từ thiện không chân chính có nhiều thủ đoạn tinh vi, rất biết lợi dụng hoàn cảnh, nắm bắt tình hình xã hội để thực hiện hành vi kêu gọi. Cơ quan chức năng phải điều tra tận nơi và xử lý tới cùng để họ biết sợ mà chừa, và những ai khác thấy vậy sẽ không dám manh nha làm nữa

Ca sĩ Phương Thanh

Diễn viên Cao Thái Hà phải đính chính không đứng ra quyên góp cho hậu sự của diễn viên Đức Long

Có thể bị xử lý hình sự

Ca sĩ Phương Thanh - từng bị người khác mạo danh quyên góp, chia sẻ: “Những kẻ quyên góp từ thiện không chân chính có nhiều thủ đoạn tinh vi, rất biết lợi dụng hoàn cảnh, nắm bắt tình hình xã hội để thực hiện hành vi kêu gọi. Cơ quan chức năng phải điều tra tận nơi và xử lý tới cùng để họ biết sợ mà chừa, và những ai khác thấy vậy sẽ không dám manh nha làm nữa”.
Ở khía cạnh pháp luật, luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) cho biết: “Tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi, động cơ, mục đích thực hiện hành vi mà các chủ thể giả danh, lợi dụng tên tuổi nghệ sĩ Việt kêu gọi quyên góp từ thiện có thể bị xử lý hành chính, dân sự, hình sự”.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, hành vi giả mạo tài khoản mạng xã hội của cá nhân, tổ chức khác để kêu gọi và nhận quyên góp tiền nhằm mục đích trục lợi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với từng mức độ vi phạm. Đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Việt Hương cảnh báo có người giả mạo vợ cố nghệ sĩ Chí Tài lừa 5.000 USD

Bên cạnh đó, việc mạo danh nghệ sĩ thông qua hành vi tạo lập tài khoản Facebook giả mạo hoặc bất kỳ tài khoản mạng xã hội nào khác của nghệ sĩ, từ đó mạo danh nghệ sĩ để kêu gọi và nhận tiền quyên góp từ thiện nhằm sử dụng tiền quyên góp vào mục đích vụ lợi cá nhân, thì hành vi này có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về hành vi này. Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại bởi hành vi vi phạm nói trên có quyền yêu cầu các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều 584 bộ luật Dân sự 2015.
Đặc biệt, luật sư Tuấn nhấn mạnh: “Với tình tiết tăng nặng là lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù căn cứ theo khoản 3 điều 174 bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Bên cạnh đó, nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì mức hình phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân”. .
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.