Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:

'Mặt bằng lãi suất đã giảm thấp nhất trong 20 năm qua'

03/01/2024 12:19 GMT+7

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.

Phát biểu tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 sáng 3.1, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị; ngân hàng T.Ư nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao.

Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm...

'Mặt bằng lãi suất đã giảm thấp nhất trong 20 năm qua'- Ảnh 1.

Toàn cảnh họp báo

ĐT

Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%

Trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, theo ông Tú, ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2 - 3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Thứ hai, liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.

"Có thể nói, đến thời điểm này, mức lãi suất cho vay đã xuống rất thấp, kể cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; kể cả các lĩnh vực không phải đối tượng ưu tiên. Mặt bằng lãi suất đã giảm thấp nhất trong 20 năm vừa qua.

Đầu năm, câu chuyện lãi suất là vấn đề rất gay gắt, giữa năm mức lãi suất cũng còn tiếp tục gay gắt, làm sao để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Tất nhiên, chính sách có độ trễ, đặc thù, không thể nói là hôm nay lãi suất thế này ngày mai giảm xuống ngay 2%, 3%. Điều đó sẽ tạo ra sự hẫng hụt trong hệ thống tài chính của các TCTD", ông Tú nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc tới việc điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%...

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế...

Cạnh đó, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém.

Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.