Phát biểu tại hội thảo, TS Baek Yong-hun (ĐH Dankook Hàn Quốc) cho rằng hiện có sự mất cân bằng trong việc giới thiệu, quảng bá những nội dung văn hóa đến với 2 đất nước. "Có thể thấy những nội dung về phim ảnh, văn hóa của Hàn Quốc được truyền bá rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại chưa có sự cân bằng tương xứng như vậy. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xây dựng khung để nâng cao, tối ưu hóa hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc và đã được các đội ngũ nghiên cứu thông qua", TS Baek Yong-hun nói.
Các chuyên gia Hàn Quốc thẳng thắn chỉ ra sự mất cân bằng trong giao lưu văn hóa Việt - Hàn và đề xuất một số giải pháp |
HOÀNG SƠN |
TS Shim Ju-hyung (ĐH Incheon, Hàn Quốc) cũng nhận định sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022), nội dung giao lưu văn hóa giữa 2 nước rất đa dạng từ truyền thống đến hiện đại, nhưng việc hợp tác và giao lưu văn hóa vẫn còn mất cân bằng. "Chúng ta đã nói nhiều về làn sóng văn hóa Hàn Quốc. Nó là công cụ đóng góp trong giao lưu văn hóa giữa 2 bên. Trong giai đoạn đầu, làn sóng văn hóa Hàn Quốc cũng đã có những hỗ trợ nhất định với Việt Nam, thể hiện sự lan tỏa của văn hóa Hàn Quốc vào văn hóa Việt Nam… Thế nhưng, chúng ta cũng cần phải xử lý những vấn đề, đó là người Hàn Quốc cũng cần hiểu sâu sắc hơn vấn đề văn hóa của Việt Nam", TS Shim Ju-hyung nói. Vì thế, cần có phương án trong hợp tác phát triển văn hóa Việt - Hàn trong thời gian tới.
"Chúng ta cần tìm kiếm sự đa dạng hơn trong giao lưu văn hóa giữa 2 bên. Cần xây dựng các dự án bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, đặc biệt là những di sản đã được UNESCO ghi danh…", TS Shim Ju-hyung nói.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa
Đáng chú ý, TS Shim Ju-hyung cho rằng 2 nước Việt - Hàn cần tạo ra nền tảng giao lưu văn hóa và duy trì phát triển và tận dụng cho được nguồn lực này. Theo ông, hiện có khoảng 200.000 người Việt Nam ở Hàn Quốc nhưng lại chưa có Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc để thông tin chính thức và chính xác về văn hóa Việt Nam. Đây là hoạt động giao lưu văn hóa cần có sự hỗ trợ của chính quyền, thông qua những trung tâm văn hóa đặt ở Hàn Quốc sẽ giúp quan hệ Việt - Hàn ngày càng chặt chẽ hơn. Cùng với đó, thông qua công nghiệp văn hóa, 2 nước cần thường xuyên tổ chức giao lưu, để không chỉ thực hiện những dự án hợp tác sản xuất phim mà còn chia sẻ kinh nghiệm để giúp phát triển nền công nghiệp văn hóa...
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, cho rằng trong 30 năm qua, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã xâm nhập mạnh mẽ vào đời sống người Việt Nam và đã được "Việt hóa", chuyển hóa trong lối sống của người Việt Nam. "Chúng ta đã nói nhiều về sự tương đồng văn hóa 2 nước. Tuy nhiên, có những nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta chủ quan khi nhấn mạnh sự tương đồng mà không quan tâm thích đáng sự khác biệt về văn hóa giữa 2 dân tộc. Chính vì tâm thế chủ quan nên không chịu học hỏi lẫn nhau, không tìm sự khác biệt dẫn đến những sự xung đột không đáng có. Chúng ta cần chấp nhận sự khác biệt của nhau để hợp tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng hài hòa, cân bằng để hợp tác hiệu quả", bà Huyền nói.
Bình luận (0)