Đây là những tình huống đã từng xảy ra với không ít thí sinh (TS) khi đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển ĐH.
Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Đừng quên điều này nếu muốn trúng tuyển ĐH" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 1.8 đã nêu ra rất nhiều tình huống để TS lưu ý nếu không muốn bị mất cơ hội trúng tuyển ĐH dù đã hoàn tất quá trình đăng ký xét tuyển.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Nắm rõ lịch đóng lệ phí theo từng địa phương
Theo các chuyên gia có mặt tại chương trình tư vấn, khoảng thời gian từ 31.7 - 6.8 là cực kỳ quan trọng đối với TS, nếu TS "quên" hoặc bỏ qua một thao tác trong giai đoạn này thì dù trước đó đã trúng tuyển sớm hoặc đã đăng ký bao nhiêu NV cũng đều vô nghĩa.
"Có TS đã trúng tuyển sớm và nhập NV lên hệ thống của Bộ nhưng cuối cùng không có tên trong danh sách trúng tuyển chính thức. Hoặc nhiều em điểm rất cao, tự tin sẽ trúng tuyển nhưng cuối cùng cũng không thấy tên. Nguyên nhân là vì các em "quên" nộp lệ phí xét tuyển", tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin.
"Các em nên truy cập bằng máy tính cá nhân chứ đừng dùng điện thoại di động. Nếu đã hoàn thành hết các thao tác trong quy trình nhưng chuyển khoản xong vẫn không thấy hệ thống xác nhận đã hoàn thành, thì các em phải liên hệ với địa chỉ trên hệ thống để xem được xác nhận hay chưa", tiến sĩ Hải khuyên.
Có TS hỏi nếu không đóng lệ phí hết tất cả các nguyện vọng đăng ký thì có được xét không? Tiến sĩ Hải nêu: “Trước 17 giờ ngày 30.7 thí sinh đã chốt số lượng nguyện vọng rồi thì từ ngày 31.7 đến 6.8 khi thanh toán (theo cụm tỉnh), thí sinh phải thanh toán tổng số nguyện vọng đã đăng ký và thanh toán 1 lần. Vì thế nếu các em đã chốt đăng ký 10 nguyện vọng mà chỉ thanh toán 3 hay 5 nguyện vọng thì hệ thống sẽ không chấp nhận”.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, lưu ý mỗi khu vực sẽ được Bộ GD-ĐT quy định khoảng thời gian 2 ngày để nộp lệ phí nên các em cần phải nắm rõ lịch này. "Năm qua một số em không thực hiện hết các thao tác máy khi nộp lệ phí, hoặc máy bị treo, hệ thống chưa ghi nhận nên các em bị mất cơ hội. Trong quá trình thao tác, các em cũng nên chụp lại màn hình các bước, lưu lại để đối chiếu, xác minh nếu cần", thạc sĩ Thạch cho hay.
LỠ TRÚNG TUYỂN VÀO NGÀNH KHÔNG YÊU THÍCH NHẤT, CÓ NÊN TỪ CHỐI?
Với quy chế xét tuyển tạo điều kiện tối đa cho TS như hiện nay, hầu như mỗi TS sẽ trúng tuyển vào một ngành học mình đã đăng ký (nếu như TS đăng ký cùng lúc nhiều NV ở nhiều trường khác nhau). Tuy nhiên, chưa chắc ngành trúng tuyển là ngành TS thực sự yêu thích và muốn học.
Trong tình huống này, TS nên làm gì? Từ chối xác nhận nhập học để đợi xét tuyển bổ sung hay cứ xác nhận nhập học rồi tính sau?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải nhấn mạnh: "Có thể một thời điểm nào đó chúng ta cảm thấy yêu thích và quyết định chọn một ngành nào đó, nhưng sau đó lại muốn thay đổi. Quy chế đào tạo trình độ ĐH cho phép sinh viên có thể học cùng lúc 2 chương trình. Có một số trường lại cho phép TS chuyển sang ngành gần nếu có mức điểm trúng tuyển tương đồng. Vì vậy, nếu trúng tuyển vào ngành học chưa phải là mong muốn nhất, thì các em vẫn nên xem xét các yếu tố trên để xác định nhập học".
Tuy nhiên, tiến sĩ Hải cho rằng TS cũng có thể từ chối nhập học để xét tuyển bổ sung, nhưng không phải trường nào cũng xét bổ sung, nếu có thì chỉ tiêu cũng rất ít, chưa kể điểm chuẩn đợt bổ sung luôn cao hơn hoặc bằng đợt đầu.
Thầy Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng khuyên nếu TS trúng tuyển vào ngành chưa yêu thích nhất thì cũng cân nhắc để không đánh mất cơ hội quý.
"Đến thời điểm này các em đã quyết định những ngành học mà các em có thể theo đuổi. Đó là cả một quá trình các em đã tìm hiểu, suy nghĩ và đưa ra lựa chọn. Và khi đã lựa chọn thì phải cố gắng, quyết tâm và kiên định theo đuổi. Các em cần biết rằng chương trình đào tạo ở trường ĐH có tính liên ngành rất lớn, trang bị nhiều kiến thức đan xen, học một ngành có thể làm việc ở nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau, chưa kể các em sẽ được trang bị rất nhiều kỹ năng để thích ứng. Vì thế trúng tuyển thì không nên bỏ đi cơ hội, biết đâu nếu chọn xét bổ sung hoặc đợi năm sau thi, các em sẽ gặp nhiều khó khăn hơn", thạc sĩ Huy nhận định.
Bình luận (0)