Đến bây giờ, ngoài thế hệ đó, ít ai biết trong thời kỳ chiến tranh đánh phá ác liệt nhất ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước đã có những kế hoạch với mật danh riêng (K8, K10, K15...) để bảo vệ giống nòi và giữ hạt giống sau này trở về xây dựng quê hương.
Chúng tôi, những đứa trẻ trong chiến dịch mang mật danh K8, sinh ra ở Quảng Bình, chỉ sống và học tập một thời gian ở Thanh Hóa, nhưng đó là quãng thời gian quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách một con người. Nếu nói Thanh Hóa là quê hương thứ hai thì thật khách sáo, thật sự, chúng tôi đã có hai quê hương.
Cuộc trường chinh bi tráng
Lúc đó nhà tôi mới có 5 anh em. Đứa đầu là tôi, 11 tuổi, út Quế mới 2 tuổi. Ba tôi đi xa, chỉ mạ ở nhà. Quảng Bình lúc đó đúng là đất lửa, máy bay dội bom suốt ngày đêm.
Một hôm, mạ tôi nói chuyện rất lâu với chú Hán, cán bộ xã, rồi xuống hầm chữ A ngồi cầm cái quạt mo quạt cho mấy anh em đang nằm như úp thìa. Rất lâu sau, bà dụi mắt, nói: “Phú với Cường hai hôm nữa đi K8”.
Bọn tôi bật cả dậy.
Bấy giờ, tụi nhỏ chỉ biết “đi K8” là ra Thanh Hóa sơ tán mà thôi. Mãi sau này, trên đường đi, mấy o chú dẫn đoàn nói chuyện, mới hiểu ý nghĩa của nó:
Chiến dịch K8 hay “Kế hoạch 8” là một chiến dịch kéo dài từ tháng 8.1966 đến cuối năm 1967. Đây là cuộc trường chinh sơ tán bằng đường bộ hơn 30.000 học sinh từ 5 - 15 tuổi ở Quảng Bình, Quảng Trị ra sinh sống và học tập ở các tỉnh phía bắc (Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình). Chiến dịch này do Đảng và Nhà nước chủ trương nhằm đưa những thiếu niên, nhi đồng ra khỏi vùng hủy diệt của bom đạn, giữ “hạt giống đỏ” để sau chiến tranh trở về xây dựng quê hương. Có 30.000 học sinh, trong đó Lệ Thủy quê tôi có 500 tham gia “chiến dịch” này.
Trong lúc bọn tôi đang ngỡ ngàng thì mạ nói tiếp: “Mạ định cho Thịnh với Cường đi để dọc đường Thịnh còn chăm em, nhưng ở nhà, các em còn nhỏ quá, mạ thì đi làm, Thịnh phải ở nhà dắt em xuống hầm”.
Mãi đến vài chục năm sau, tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh của hai đứa em, đứa 9 tuổi, đứa 7 tuổi vai đeo cái xắc (túi) áo quần, đi liêu xiêu trong tiếng máy bay gầm rú.
Hôm sau, thấy cả hai đứa trở về. Máy bay ném bom dữ quá, không thể đi nổi.
Tuần sau, mạ nói: “Thôi Thịnh, Phú đi, Cường nhỏ quá trên đường bom đạn biết tránh làm sao”. Thế là đi. Đó là năm 1967.
|
Bất chấp hiểm nguy
Lần trước đi đường ven biển, máy bay đánh rát, không thể qua nổi đò Bảo Ninh, nơi mẹ Suốt chèo, lần này đi lên núi, qua Hoa Thủy, Thủ Thừ, Kim Nại, vượt bến đò Trung Quán đến Lệ Kỳ…
Một đoàn trẻ con ngày nghỉ, đêm đi, xuyên làng, qua sông, tối trời, đường đầy bùn đất và hố bom. Thỉnh thoảng phải ngồi xuống nấp vào bụi rậm vì pháo sáng trên đầu, nhảy xuống hố bom vì bom nổ xung quanh.
Đêm đến Lệ Kỳ là đêm dữ dội nhất. Chúng tôi được đưa lên xe nhắm hướng đèo Ngang thì máy bay gầm rú, pháo sáng rực trời, bom nổ không dứt. Chúng phát hiện và đánh ngay vào đội hình xe chở bọn trẻ.
Sau này, trong cuộc đời có gặp chuyện gì đi nữa, chúng tôi cũng chẳng thấy khổ, vì đã trải qua những ngày tháng khổ nhất rồi |
Một quả bom tạ nổ gần, tôi che cho em mình, đất vùi hai anh em. Đứng được lên, thì hai anh em tôi đỏ từ đầu đến chân. Lệ Kỳ vùng đất đỏ.
Chừng một giờ sau, thấy một chiếc xe bật đèn pha sáng chạy lên đồi, máy bay bám theo, hết bắn rốc-két lại thả bom bi, hết bom bi đến bom tạ... Thừa cơ hội đó, đoàn xe chở chúng tôi lặng lẽ xuất bến, đi mò mẫm trong đêm. Chiếc xe bật đèn pha sáng là chiếc xe đánh lạc hướng máy bay địch.
Đoàn Lệ Thủy chúng tôi không ai việc gì, sau này mới biết, có 40 bạn Quảng Trị đi cùng một chiếc xe, bị bom, chỉ một người còn sống (nay có mộ chung và bia tưởng niệm).
Hôm sau, đoàn vượt đèo Mồng Gà để sang địa bàn Hà Tĩnh. Bụng đói, cổ họng bỏng rát vì thiếu nước. Chú Trính, trưởng đoàn, kêu: “Chú nhớ rồi, trên dốc này có cây khế, trái nhiều nhưng chua lè, chua ua ua ua...”. Lên dốc, chẳng thấy khế đâu, chú cười: “Chú nói dối đó, nhưng nghe chua, nước miếng túa ra cũng đỡ rát họng phải không?”.
|
Ấm áp
Phải mấy tuần sau, đoàn mới đến Thạch Hà (Hà Tĩnh). Anh em tôi được phân vào ở một nhà dân, nhà đó có một cô đang học trung cấp sư phạm, tên Nga (trường cũng sơ tán về đây) ở. Ngày nào cô Nga cũng nấu nước lá xoan tắm cho hai anh em vì ghẻ lở đầy người.
Một tuần sau, tình hình lắng xuống, chúng tôi lại lên đường.
Cô Nga hai tay dắt hai anh em, thỉnh thoảng lại buông ra để chùi ước mắt. Tầm 4 - 5 cây số, mọi người giục, cô mới buông tay, lấy cái nón trên đầu đội cho em Phú. Lấy chiếc khăn mùi soa đưa cho tôi. Trong nón có ghi chữ, trên khăn tay có thêu: “Mãi mãi nhớ hai cháu - Cô Ngụy Thị Vân Nga” (sau này tôi có bút danh Ngụy Thế Bằng Phương là tên do cô Nga đặt. Lúc tôi làm bài thơ chép vào sổ tặng cô, cô nói: “Thịnh à, sau này nhất định cháu sẽ thành nhà văn, nhà thơ, lấy tên cô đặt làm bút danh nhé”. Tôi dạ).
Một đoàn con trẻ, lớn nhất cũng chưa đến mười ba, nhỏ thì chưa đi học, áo quần tơi tả, ghẻ lở đầy người được mấy cô chú dắt díu nhau đi qua những con đường làng, những cánh đồng bị cày nát, những hẻm núi đầy đá tai mèo… Lạ thay, không đứa nào khóc, không đứa nào kêu vì đói, vì khát, cứ thế mà đi.
Sau này, trong cuộc đời có gặp chuyện gì đi nữa, chúng tôi cũng chẳng thấy khổ, vì đã trải qua những ngày tháng khổ nhất rồi.
Đến nhà rồi !
Ba tháng, mất một học kỳ, chúng tôi mới đến Thọ Đồn (xã Vĩnh Yên, H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Cán bộ địa phương đã chuẩn bị trước, đọc đến tên ai thì người đó bước lên và người nhận nuôi đưa về nhà.
Anh em tôi ở chung nhà. Nhà cố Hy “tứ đại đồng đường”. Nhà mái ngói, sân gạch, vườn trồng nhiều mít. Chuồng bò ngay cạnh nhà. Trong nhà có 3 đứa chắt của cố cùng trang lứa với chúng tôi.
Mỗi đứa chúng tôi được cấp mỗi tháng 13,5 kg gạo và 16 đồng, gọi là đủ ăn lúc đó.
Tối đầu tiên ngồi ăn, em tôi im lặng, chỉ tôi nói, nhưng nói gì trong nhà cũng không hiểu vì rặt giọng Quảng Bình. Nhà cố nói chi chúng tôi cũng không hiểu. Chỉ nghe mỗi câu cô Thu (lúc đó học lớp 9 hệ 10) bảo: “Đừng buồn nữa. Các cháu đến nhà rồi!”.
Đêm ấy, sau nhiều tháng, chúng tôi mới có cảm giác an toàn, dù nhớ nhà nhưng mệt nên ngủ thiếp đi. Giấc ngủ rất sâu.
(còn tiếp)
Bình luận (0)