Sự cố tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội hôm 12.5 tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã gây hoang mang tột độ cho người dân, bởi vì tính lặp lại của sự việc. Tất cả những tuyến đường mà 2 tuyến đường sắt đô thị này chạy qua đều là huyết mạch.
Hàng vạn người dân thủ đô đang phải lưu thông ở những nơi mà sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, những lưỡi hái tử thần luôn treo trên đầu họ, mỗi ngày.
Trong một khoảng thời gian ngắn, tai nạn liên tục xảy ra, với mức độ, hình thức khác nhau, nhưng có chung nguyên nhân được tuyên bố là do “thi công ẩu”. Thi công ẩu là lỗi chủ quan của nhà thầu thi công. Nhưng để nhà thầu làm ẩu, làm không đúng quy trình, yếu kém về năng lực thì lại là lỗi của chủ đầu tư. Và sau chừng ấy sự cố, thậm chí đã phải trả giá bằng mạng người dân vô tội, mà chủ đầu tư (đồng thời cũng là cơ quan quản lý nhà nước) vẫn không có biện pháp giải quyết dứt điểm thì không còn là lỗi nữa mà là tội. Tội vô cảm với tính mạng của người dân.
Khi xảy ra vụ rơi dầm thép công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hôm 6.11.2014, Bộ trưởng GTVT cam kết rằng: Sẽ không có tai nạn nào như vậy nữa. Hàng loạt cán bộ thuộc Ban quản lý dự án bị giáng chức, điều chuyển. Nhưng ngay khi dự án được thi công trở lại, ngày 28.12, sự cố lại tiếp tục xảy ra, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Lần này, Bộ trưởng GTVT lần đầu tiên đề cập đến nguyên nhân tư vấn giám sát. Theo đó, ông yêu cầu phải chấm dứt hợp đồng với tư vấn giám sát (Trung Quốc), ký hợp đồng với một công ty giám sát của VN, do Bộ GTVT chỉ định. Nhưng trả lời PV Thanh Niên tối qua, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc BQL dự án đường sắt (Bộ GTVT), nói rằng chỉ thay người đứng đầu đơn vị, còn tư vấn giám sát vẫn là nhà thầu Trung Quốc.
Nói như vậy, cùng với việc tổng thầu Trung Quốc ngang nhiên nuốt lời hứa về tiến độ, vốn, an toàn lao động…, để thấy rằng, chủ đầu tư dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dường như đang không thể kiểm soát được những gì đang diễn ra ở đại dự án gần 9.000 tỉ đồng này.
Còn tại sao lại mất kiểm soát, tại sao chủ đầu tư lại không thể buộc nhà thầu chấp hành các cam kết, tối thiểu nhất là quy định bảo đảm an toàn, tại sao không thể thay nhà thầu (được chính Bộ GTVT xác định là yếu kém, thiếu năng lực), tại sao không thể thay tư vấn giám sát không đáp ứng yêu cầu, thì có lẽ chỉ có chủ đầu tư mới có câu trả lời.
UBND TP.Hà Nội, chủ đầu tư dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đã đề nghị công an vào cuộc điều tra 2 sự cố hôm 12.5. Bộ GTVT có lẽ cũng nên làm thế với những bê bối tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Bình luận (0)