CỬA LỞ BAO GIỜ HẾT LỞ ?
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sóng biển xâm thực mạnh dọc bờ biển Cửa Lở (xã đảo Tam Hải, H.Núi Thành, Quảng Nam) với chiều dài khoảng 1 km. Nhiều vị trí xung yếu bị sóng biển đánh vỡ, "ngoạm" sâu vào bờ 3 - 5 m; hàng trăm cây dương liễu giữ đất bị cuốn phăng. Dọc bờ biển, nhiều căn nhà tạm của người dân dựng nuôi tôm bị sóng biển phá nát, hàng chục ao tôm phải bỏ hoang. Đặc biệt, khu vực mồ mả tập trung giờ chỉ còn cách bờ biển khoảng 10 m.
Anh Trần Văn Kiều (33 tuổi, ở thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải) cho biết chừng 5 năm trước, số hộ nuôi tôm ở đây lên tới hàng chục. Tuy nhiên, do liên tục chịu tác động của mưa bão, tốc độ xâm thực bờ biển diễn ra rất nhanh nên nhiều người không dám đầu tư nuôi tôm nữa. "Biển xâm thực quá nhanh, đã có nhiều ao tôm bị sóng biển "xóa sổ". Với tốc độ xâm thực nhanh như bây giờ, nếu không có phương án bảo vệ thì tầm 3 - 4 năm nữa, đừng nói ao nuôi tôm mà hàng chục nhà dân nằm gần bờ biển cũng có nguy cơ bị biển nuốt chửng", anh Kiều nói.
Ông Nguyễn Hữu Việt (51 tuổi, ở thôn Bình Trung) cho biết hiện khu vực tập trung đông nhà dân chỉ cách vị trí sạt lở khoảng 100 m. "Chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên khi chứng kiến tốc độ xâm thực nhanh và sạt lở mạnh như thế này. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện làm kè chống sạt lở để 80 hộ dân thôn Bình Trung yên tâm sinh sống. Không biết biển Cửa Lở bao giờ mới hết lở...", ông Việt bày tỏ.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết thời gian gần đây sạt lở bờ biển Cửa Lở đang diễn ra rất mạnh. Mỗi năm biển xâm thực vào sâu 20 - 30 m, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nuôi tôm dọc bờ biển. Vị trí sạt lở cách không xa thôn Bình Trung và đang mở rộng, đe dọa khu dân cư thôn Thuận An. "Người dân mong muốn sớm có phương án xây dựng kè để bảo vệ đất, giữ nhà. Khu vực sạt lở đã có đoàn công tác của huyện và tỉnh đi kiểm tra, khảo sát. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí xây dựng tuyến kè ở khu vực này quá lớn nên tỉnh đang kiến nghị T.Ư hỗ trợ kinh phí", ông Hùng nói.
TRẮNG TAY VÌ SÓNG
Thời gian qua, bờ biển Hội An đoạn qua khối phố Thịnh Mỹ (P.Cẩm An, TP.Hội An) cũng bị xâm thực mạnh, lấn sâu vào khu dân cư.
Căn nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Hường (36 tuổi, ở khối phố Thịnh Mỹ) vừa bị sóng biển đánh sập mất 2/3 vào chiều 26.2, cuốn phăng phần bếp cùng một nửa phòng khách. Đây đã là lần thứ 3 trong vòng 3 năm nhà chị bị sóng biển phá hại. Lần đầu vào rạng sáng 15.11.2020, sóng biển đánh sập 4 ngôi nhà, trong đó có nhà của vợ chồng chị. Lần thứ hai là hồi tháng 10.2022, sóng cao 3 - 4 m trong đợt bão Nesat đã tấn công nhà chị. Vợ chồng chị đã phải chạy vạy vay mượn, sửa sang lại nhà ở nhưng lại tiếp tục gặp nạn, lâm cảnh trắng tay.
Căn nhà của gia đình ông Lê Văn Biết (72 tuổi) chỉ cách nhà chị Nguyễn Thị Hường khoảng 100 m cũng đang cách mép sóng biển chưa đầy 5 m. Hàng dừa với nhiệm vụ chắn sóng ở phía sau nhà ông bị sóng đánh nằm ngả nghiêng. "Với tình trạng này, tôi e rằng chẳng mấy chốc nhà tôi cùng các hộ dân trong xóm sẽ bị xóa sổ. Hơn 3 năm qua, sạt lở bờ biển khiến bà con luôn bất an, lo lắng", ông Biết ngao ngán.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay thời gian qua UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng tuyến đê ngầm chắn sóng từ xa, bắt đầu từ bờ biển Cửa Đại, song chưa triển khai đến khu vực khối phố Thịnh Mỹ. Hiện UBND TP.Hội An đang rà soát lại thủ tục đầu tư, xây dựng tuyến kè cứng ven biển để chống sóng biển xâm thực.
Bình luận (0)